Hoa lan trong vườn của ông Vương Xuân Phương.
Đem hoa rừng về bản...
Ông Vương Xuân Phương, công tác tại Trạm Y tế xã Tả Phìn, người có vườn lan rừng đẹp nhất nhì xã, cho biết, ông gây dựng vườn lan này hơn 10 năm về trước. Song, người có công đem những dò lan rừng về làm đẹp cho bản làng là đồng bào Mông, Dao. Khởi đầu, do đồng bào đi hái lá thuốc trong rừng thấy lan đẹp thì đưa về trồng chơi, từ một, hai nhà nay lan ra cả xã. Tuy nhiên, để hoa lan đẹp, bền, đến được tay người tiêu dùng trên mọi miền đất nước, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất thì không dễ.
Theo đó, ông Phương bắt đầu học cách trồng lan từ năm 2007 - 2008. Quy trình khá đơn giản, cho phân trâu ủ ẩm trong thời gian 2 tháng vào chậu dương xỉ, sau đó đưa lan vào trồng, nếu phải xuất đi xa thì cho vào chậu sành. Khi cây còn bé trồng vào chậu nhỏ, sau đó chuyển sang chậu lớn. Chậu dương xỉ có thể rộng từ 30 - 100cm, 1chậu to thường trồng 30 cây hoa lan và có giá 10 triệu đồng (thời điểm cách đây 10 năm). Dịp Tết Nguyên đán 2017, giá lên đến 40 triệu đồng, mức giá này giữ ổn định từ năm 2013 -2014 đến nay. Chậu bé hơn một chút có giá 20-30 triệu đồng, chậu trung bình 2 - 3 triệu đồng, dò bé chỉ 500.000 - 600.000đồng. Tính đến thời điểm này, trong vườn nhà ông Phương vẫn còn trên 1.000 dò lan các loại. Do công việc nhiều nên ông phải thuê 2 công nhân, trả lương quanh năm với mức 5 triệu đồng/người/tháng, vào dịp Tết phải thuê 5 công nhân.
Ông Phương cho biết, trồng lan khó nhất là khâu chọn giống, đòi hỏi người trồng phải có thâm niên chăm sóc cây mới “thẩm thấu”được điều này. Ví như, cùng giống lan địa mộc Sa Pa, song lại chia làm nhiều loại khác nhau, nếu người trồng không có kinh nghiệm sẽ gặp rủi ro lớn: hoa nở không đúng dịp Tết. Sau nhiều năm mày mò, học hỏi, ông đã rút ra bài học, muốn cho lan nở đúng dịp Tết thì tháng 10 âm lịch hàng năm phải chuyển xuống vùng ấm hơn. Hiện, gia đình ông có khu trung chuyển hoa lan cách TP. Lào Cai 11km, từ đây lan rừng được đưa đến những nơi khách đặt hàng, thường từ địa phận TP. Vinh (Nghệ An) trở ra Bắc. Do trồng lan phải có thêm công đoạn trung chuyển như trên, nên Tả Phìn có khoảng 15 đầu mối thu mua cho bà con. Theo đó, để hoa lan đến tay người tiêu dùng phải phân chia thành 2 công đoạn: bà con sản xuất và bán cho các đầu mối, các đầu mối làm tiếp việc còn lại và chuyển đến tay khách hàng.
Ngoài những hộ trồng lan thâm niên như ông Phương, ông Lại Đăng Nam, thôn Sả Séng mới tham gia trồng 2 năm nay cũng cho biết, bà con Tả Phìn vào rừng khai thác lan từ những năm 1990 đến nay, nên lan rừng gần như không còn. Những hộ “sinh sau đẻ muộn” như ông phải mua lại của bà con tự nhân giống với giá 2 triệu đồng/dò. Hiện, gia đình ông có trên 200 chậu lan gây dựng từ đầu năm 2016 đến nay, giá từ 2 - 10 triệu đồng/dò, đầu ra là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Riêng dịp Tết Nguyên đán 2017, ông đã bán được 100 chậu. Hiện, ông Nam tiếp tục mua lan rừng về chăm sóc.
Theo thống kê, Tả Phìn hiện có 60 - 70% gia đình trồng lan (tương đương 500 -600 hộ), bình quân lãi ròng 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm; hộ mới tham gia trồng đạt 50 - 70 triệu đồng/năm.
Phục vụ du lịch homestay
Cùng đi thăm vườn lan của đồng bào Mông, Dao với chúng tôi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh tổng hợp Giấc mơ đỏ, bà Lý Mẩy Chạn, cho biết: “Nhờ biết phát huy thế mạnh của 2 sản phẩm (tắm lá thuốc của người Dao đỏ và trồng hoa lan rừng), dịch vụ du lịch homestay trên địa bàn ngày càng phát triển. Hiện, toàn xã có trên 30 hộ tham gia lĩnh vực này. Trước đây, chỉ có người Dao đỏ cung cấp lá thuốc tắm, nay bà con người Mông cũng tham gia. Điều đáng mừng là, dịch vụ tắm lá thuốc ngày càng phát triển, nên giá lá thuốc đã tăng từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg. Khách du lịch ở lại nhà homestay thường đi thăm khu miếu cổ, khu tắm lá thuốc, các hang động ở Tả Phìn và ngắm vườn lan trong từng hộ gia đình. Trước đây chỉ có vài nhà làm dịch vụ homestay và khách chỉ ở lại 1 ngày/đêm, nay tăng lên 2 - 3 ngày/đêm”.
Bà Chạn còn cho biết thêm, để giữ chân du khách trong những ngày ở lại với gia đình, xã viên HTX đã được đi học các lớp nấu ăn. Du khách ở cùng nhà với bà con nhưng có phòng riêng, chăn màn sạch sẽ; khu vệ sinh riêng biệt cho phòng đôi, hoặc chung cho phòng tập thể.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, ông Đỗ Minh Trí, cho biết: “Hoa lan là một trong những cây trồng có thế mạnh ở Tả Phìn: thổ nhưỡng phù hợp, có thể trồng dưới tán cây; tận dụng được những vùng đất xấu, núi đá, độ dốc cao; sử dụng lao động dư thừa, lúc nông nhàn, thu nhập từ trồng lan khá cao, người dân có kinh nghiệm trồng hoa trên 20 năm nay. Ngoài ra, trồng lan còn góp phần giải quyết nạn ô nhiễm môi trường nông thôn do phân trâu, bò thải ra. Theo đó, 100% giá thể lan trồng bằng phân trâu, bò. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như: nhu cầu về nguồn vốn cao, việc đăng ký thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh lạ trên cây hoa lan như: thối nõn, nấm... Độ ẩm Sa Pa cao, mùa ra mầm hoa lan có nhiều ốc sên đến phá hoại, nhiều khi phải thức trắng đêm để tiêu diệt. Mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tìm cách khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Hy vọng, với cách làm sáng tạo của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, một ngày không xa, Tả Phìn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách nói chung và homestay nói riêng.
Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã