Trước đây, anh Thêm làm nghề cơ khí. Mặc dù có nguồn thu nhập khá nhưng công việc vất vả, bấp bênh, lại phải nay đây mai đó, vì vậy, anh Thêm luôn ấp ủ mong muốn sẽ trở về quê hương để phát triển kinh tế gia đình. Tình cờ, trong một lần làm việc ở Bắc Ninh, anh thấy gần chỗ làm có mô hình nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Thêm tìm hiểu và dự tính sẽ phát triển mô hình này trên mảnh đất của gia đình.
Sau một thời gian nghiên cứu và suy tính, năm 2010, anh Thêm trở về quê và bắt tay ngay vào việc thực hiện mô hình. Từ nguồn vốn tích lũy được sau nhiều năm đi làm thuê, anh Thêm đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 20 đôi chim giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa nhân giống mở rộng quy mô đàn, sau hơn 1 năm, gia đình anh Thêm có gần 60 đôi chim. Ngỡ tưởng rằng ước mơ có một trang trại nhỏ trở thành hiện thực nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì đàn chim của gia đình anh Thêm chết mất hơn một nửa. Nhìn đàn chim chết dần, chết mòn, anh Thêm không khỏi xót xa, nản chí.
Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, anh Thêm quyết tâm gây dựng lại đàn chim từ đầu. Anh dọn dẹp, rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Anh gác lại chuyện làm ăn, tìm đến một số mô hình nuôi chim bồ câu thành công trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi.
Khi có những kinh nghiệm cơ bản, năm 2013, anh Thêm vay Ngân hàng TMCP Công thương Vĩnh Phúc hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại rộng hơn 230m2 và mua chim giống về nuôi.
Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi, đến nay, gia đình anh Thêm đã có 1 trang trại nuôi chim bồ câu quy củ với hơn 700 cặp chim bố mẹ. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, anh Thêm cho biết: Nuôi chim bồ câu không vất vả như những loại vật nuôi khác. Một ngày chỉ phải cho ăn 2 bữa sáng và tối. Từ 2 - 3 ngày mới phải vệ sinh, dọn dẹp chuồng trại một lần.
Tuy nhiên, chim bồ câu yêu cầu chuồng trại phải thoáng mát, đủ ánh sáng. Trong quá trình nuôi cần thường xuyên thăm nom, nếu phát hiện thấy con nào có biểu hiện bị bệnh phải tách đàn ngay để tránh lây lan sang các con chim khác. Đặc biệt, khi chim con được khoảng 7 ngày tuổi, cần phải cho uống đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Có như vậy, chim mới sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đẹp mã.
Với hơn 700 cặp chim bố mẹ, trung bình mỗi tháng gia đình anh Thêm xuất bán hơn 300 cặp chim thịt, chim giống. Với giá bán 120.000 đồng/cặp chim thịt, 160.000 đồng/cặp chim giống, gia đình anh Thêm thu lãi gần 20 triệu đồng/tháng. Hiện, chim bồ câu của gia đình anh chủ yếu được tiêu thụ tại các nhà hàng ở Hà Nội.
Thời gian tới, gia đình Thêm dự định sẽ đầu tư xây dựng thêm một chuồng nuôi; nhân giống và phát triển số lượng chim bồ câu lên khoảng hơn 1.500 cặp bố mẹ; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, anh Thêm mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về nguồn vốn và chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp để gia đình có điều kiện mở rộng quy mô, phát triển trang trại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã