Hiện nhiều vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đang gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên khi về xã Thạch Điền người dân ở đây đã khắc phục triệt để trình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt bằng cách xây dựng lò đốt rác mini ngay trong từng tổ, nhóm, hộ gia đình.
Lò đốt rác mini trong vườn của từng hộ gia đình tại xã Thạch Điền (Ảnh: Hữu Anh)
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thạch Điền huyện Thạch Hà cho biết, Thạch Điền trước đây từng là địa phương được liệt vào “danh sách đen” về tiêu chí môi trường do rác thải sinh hoạt. Mặc dù bãi rác tập trung của xã đã được xây dựng nhưng rác thải chuyển đến không được xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
“Địa phương cũng bí lắm, rác tập kết ở các thôn nếu thuê xe chở đi xử lý thì mỗi xe rác ngốn mất 5-6 triệu đồng. Trong khí đó kinh phí của xã khó khăn không thể kham nổi”- ông Ngọc nói.
Rác được đưa thu gom tập kết trong lò, đầy khi nào thì đốt xử lý khi đó rất tiện lợi (Ảnh: Hữu Anh)
Ông Ngọc cho biết thêm: Trước tình thế đó qua nghiên cứu các mô hình xử lý rác nông thôn hiệu quả trên cả nước cùng với sáng tạo của của người dân địa phương đã áp dụng mô hình xử lý rác tận hộ gia đình bằng lò đốt mini. Trước khi nhân rộng mô hình này đầu năm 2017, xã đã giao cho Hội phụ nữ triển khai thí điểm xây dựng 27 lò đốt rác. Qua nửa năm triển khai thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt và nhận được sự hưởng ứng tích cực chính người dân.
Chị Nguyễn Thị Lam ở thôn Tân Lộc xã Thạch Điền chia sẻ: “Gia đình tôi xây lò đốt rác mini trong góc vườn này hồi tháng 3.2017, cho thấy việc xử lý rác thải sinh hoạt rất hiệu quả, tiện lợi kể cả ngày mưa gió vẫn xử lý rác được. Ngoài việc xử lý nhanh gọn rác thải, xây lò đốt rác trong vườn mình tự phân loại được rác thải, chai lọ bán ve chai còn các loại rác hữu cơ và bao ni lông đốt thành mùn làm phân bón cho rau và cây ăn quả”.
Tiện lợi kể cả ngày mưa gió vẫn xử lý rác được, lò đốt xây dựng trong vườn nhà nên người dân ý thức hơn về xử lý rác thải (Hữu Anh)
Chị Phan Thị Hoài, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Điền cho biết: “Thạch Điền là xã miền núi, vườn của các hộ dân rộng, vì vậy xây dựng lò đốt mini để xử lý rác tại hộ gia đình là hợp lí, không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh”.
Cũng theo chị Hoài, mỗi lò đốt đốt rác mi ni được thiết kế với diện tích khoảng 1m2, cao 2m, vật liệu gồm khoảng 100 viên gạch, 1 bao xi măng, 1 tấm lợp pro-xi-măng, ngoài ra còn có sắt, cát để làm dầm thông hơi. Tổng cộng chi phí để xây 1 lò đốt từ 500-600 ngàn đồng, trong đó xã hỗ trợ toàn bộ gạch với số tiền 150 ngàn đồng còn các vật liệu khác và ngày công người dân tự bỏ ra. Tùy vào lượng rác, không nhất thiết mỗi hộ gia đình xây một lò mà có thể 2-3 hộ gia đình ở gần nhau có thể xây, sử dụng chung một lò.
Ông Lê Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thạch Điền cho hay, sau gần 1 năm triển khai xây dựng lò đốt rác mini cho thấy hiệu quả về xử lý rác, ý thức người dân không còn ỷ lại do đó không còn cảnh rác vứt bừa bãi dọc đường hay treo trước cổng nhà chờ đi gom xử lý.
“Đến nay trên địa bàn xã đã có hơn 400 lò được xây dựng trên địa bàn 9 thôn. Để việc triển khai hiệu quả xã đã giao trách nhiệm vận động, giám sát cho từng đoàn thể, như Hội Phụ nữ xã đã vận động được 135 hộ dân xây dựng 135 lò, Hội Nông dân xã xây dựng được 135 lò, Hội Cựu chiến binh 100 lò, Hội người cao tuổi hơn 30 lò đốt rác”- ông Ngọc cho biết thêm.
Theo Hữu Anh/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã