Anh Nguyễn Văn Hạnh (48 tuổi, Ninh Xá, Thường Tín, Hà Nội) thường bị người dân quanh vùng gọi là “Hạnh Khùng” bởi cách đây 5 năm anh dám đứng ra vay hàng trăm triệu để mua đầm lầy, cải tạo trồng sen. Sau nhiều lần thất bại, đến nay anh Hạnh đã gây dựng cho mình đầm sen rộng trên 8.000m2, quy tụ khoảng 10 loại sen quý.
Ngoài thu nhập từ việc bán hoa, đầm sen của anh Hạnh còn đón hàng đoàn khách tới tham quan, chụp ảnh. Giá vé vào cửa cho mỗi người là 50.000 đồng. Ngày cao điểm, anh Hạnh thu được gần 4 triệu tiền vé vào cổng, chưa tính các dịch vụ khác.
5 năm qua, anh Hạnh bỏ nhiều công sức lặn lội đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để tìm các loại sen quý |
Người đàn ông có dáng người khắc khổ, da đen sạm cho biết, trước khi cải tạo đầm trồng sen anh và vợ phải bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Công việc không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vốn là người yêu thích hoa đặc biệt là hoa sen nên anh Hạnh nảy ra ý tưởng, vay tiền thuê đầm cải tạo trồng hoa để bán. Ban đầu, mặt nước đầm rộng 5.000m2 sau đó được anh khai hoang lên tới trên 8.000m2.
“Thời điểm đó, đầm lầy gần như bỏ không. Tôi liều mình vay 250 triệu thuê lại và mua giống hoa về trồng. Nhiều người biết chuyện, cười cợt nói tôi khùng. Nhưng tôi bỏ ngoài tai chỉ tập trung trồng sen…”, anh Hạnh nhớ lại.
Chân dung anh Hạnh - chủ vườn sen nổi tiếng với trên 10 loại hoa quý |
Để tạo ra sự độc đáo cho vườn sen của mình, nghe tin ở đâu có sen quý anh Hạnh đều bỏ công việc lặn lội tới xin giống và tìm hiểu cách ươm trồng. Ban đầu, đầm sen chỉ có một hai loại sen phổ thông sau đó cứ tăng dần lên. Hiện tại, đầm có khoảng 10 loại sen (4 loại sen trắng, 5 loại sen hồng và một loài sen Nam Bộ). Trong đó, rất nhiều loại sen quý hiếm, độc đáo như sen Cung đình, sen Bách Diệp, sen Trắng, sen hai màu… được anh ươm trồng thành công trong đầm của mình.
Chủ nhân của vườn sen độc đáo này cho biết, ban đầu các loại sen được anh trồng riêng thành từng khu cho tiện việc chăm sóc nhưng sau mỗi mùa sen lại mọc đan xen vào nhau. Một số loại không tự cạnh tranh được nên bị hỏng, chết.
“Có thời điểm đầm sen lên tới 12 loại nhưng hiện tại chỉ còn lại khoảng 10 giống. Việc trồng sen không khó nhưng khá vất vả vì mất nhiều công chăm sóc. Để hoa nở đẹp, đều bông phải bổ sung phân đạm tùy thời kỳ cho hoa. Đặc biệt phải chú ý đến mực nước trong đầm, đặc tính của từng loại hoa để có cách chăm sóc phù hợp”, anh Hạnh nói.
Sen hồng phổ thông trong đầm của anh Hạnh |
Sen Quan âm được anh Hạnh cất công sưu tập và ươm trồng trong đầm |
Anh Hạnh khẳng định, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn sen của anh là vườn sen duy nhất miền Bắc nở hoa sớm nhất trong năm. Từ tháng 2 đã có hoa nở và kéo dài đến tận tháng 9 hàng năm. Trung bình, mỗi bông sen anh Hạnh bán ra thị trường có giá buôn từ 4 nghìn đồng, bán lẻ khoảng 7.000 đồng/ bông. Vào mùa, có ngày anh thu hoạch gần 1000 bông, cho thu nhập không hề nhỏ.
“Nhiều hôm khách đông, tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, lội bùn hái hoa đến tối muộn mà vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu”, anh Hạnh nói.
Vào mùa sen, mỗi ngày có hàng đoàn khách tìm đến đầm sen của anh Hạnh để tham quan, chụp ảnh |
Ngoài ra, anh Hạnh còn thu tiền, bán vé cho người dân có nhu cầu vào đầm chụp ảnh sen. Trung bình mỗi ngày, đầm đón khoảng 50 lượt khách, ngày cao điểm có thể gấp 2 – 3 lần.
Mấy năm gần đây, người nông dân này còn mày mò nghiên cứu cách trồng sen trong chậu để bán cho những người hoa. Nhờ thế, doanh thu mỗi tháng nhờ việc trồng sen cũng mang lại cho anh Hạnh cả trăm triệu đồng.
Sắp tới, anh Hạnh cho biết đang ấp ủ kế hoạch mở rộng vườn sen thêm 10.00m2 để ươm trồng thêm nhiều loại sen quý khác.
(Theo Dân trí)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã