Khai thác tốt tiềm năng
Kim Bôi là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, gồm 28 xã, thị trấn; 83% dân số là người Mường. Đây là địa phương có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp bởi có diện tích đất nông nghiệp lớn, trên 48.000 ha (chiếm 87,5% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện), thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc...
Bên cạnh đó, huyện nằm trên trục giao thương nối liền các tỉnh khu vực Tây bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế. Ngoài ra, Kim Bôi còn sở hữu các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, trải nghiệm như: Khu suối khoáng Kim Bôi, thác Tú Sơn..., thu hút rất đông khách du lịch trong nước và ngoài nước. Đây là lợi thế để thúc đẩy việc tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững được Kim Bôi thực hiện là tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong đó, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch.
Đơn cử như tại xã Thượng Bì, Công ty TNHH Ớt Việt Nam đã hợp tác với 36 hộ dân xóm Nè trồng 5ha ớt xuất khẩu. Giống ớt cay lai F1 số 20 phù hợp với đồng đất và khí hậu nên cây sinh trưởng tốt, cho trái nhiều, mẫu mã đẹp. Mỗi hecta ớt có giá trị thu nhập 250 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Lê Đức Hùng cho biết, đến nay, huyện đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, huyện đã liên kết với Công ty CP xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) xây dựng chuỗi ngô ngọt quy mô 100 ha/vụ tại xã Mỵ Hoà; liên kết với Công ty Facific Hoà Bình phát triển 20ha dưa chuột Nhật; liên kết với Công ty Tân Lộc Phát phát triển 46ha sản xuất hạt giống, 6ha cây măng tây tại hai xã Nam Thượng, Hạ Bì…
Ngoài các doanh nghiệp trên, trên địa bàn huyện hiện có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại. Trong đó, có 11 HTX hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp như: HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỵ Hòa, HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động tại xã Nam Thượng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì.
Đặc biệt, huyện có 3 HTX xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động với 147ha cây ăn quả có múi; HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ với 34ha nhãn;...
Nhờ đẩy mạnh dồn điền đổi thửa nên Kim Bôi đã xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất cây màu tập trung như vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa các loại với diện tích 722ha tại các xã: Nam Thượng, Hợp Kim, Sào Báy, Mỵ Hòa, Đú Sáng; vùng khoai tây trên 60ha tại các xã Vĩnh Đồng, Hạ Bì; vùng mía 704,4ha tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, Bình Sơn. Cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện tập trung tại các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Kim Sơn, Mỵ Hòa, Nam Thượng với diện tích trên 1.000ha. Cây nhãn chủ yếu phát triển tại xã Sơn Thuỷ, diện tích trên 231,4ha.
Cũng theo đánh giá của ông Hùng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng trưởng trong nông nghiệp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,17% (năm 2016) xuống còn 25,21% năm 2017; thu nhập bình quân đạt trên 18,4 triệu đồng/người/năm. Huyện đã có 5 xã về đích nông thôn mới.
Theo Thế Bắc/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã