Khởi động từ tháng 5-2014, đến tháng 8 năm nay, thôn Tầm Ngân 2 đã có hơn 3 năm thực hiện mô hình theo Dự án “Xây dựng NTM, gắn với chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận” do KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc) và Tập đoàn CJ Hàn Quốc tài trợ. Là nơi cư trú của đồng bào dân tộc K’ho, thôn Tầm Ngân 2 có 287 hộ dân, hầu hết người dân sinh sống bằng nghề canh tác nông nghiệp. Qua thực hiện dự án, từ một thôn có kết cấu hạ tầng yếu kém, Tầm Ngân 2 đã “chuyển mình” nhanh chóng với các công trình được đầu tư như: Nâng cấp trường mẫu giáo (xây mới nhà bếp và tu sửa lại cơ sở vật chất, lắp đặt sân chơi); tu sửa hội trường thôn (xây nhà vệ sinh, tu sửa phần mái bên trong và ngoài hội trường); cải thiện môi trường giáo dục trường tiểu học (xây mới nhà vệ sinh, sân thể dục, tu sửa phòng nghe nhìn, hỗ trợ các vật dụng). Ở khu dân cư, dự án đã đầu tư kết nối, lắp đặt đường ống nước sạch cho 184 hộ dân trong thôn, (tăng tỷ lệ hộ sử dụng hệ thống nước máy từ 18,9% lên 96,9%). Về hạ tầng sản xuất, dự án đầu tư nâng cấp và xây mới kênh nội đồng, với tổng chiều dài hơn 1.258 m, trong đó cải tạo 303m đoạn kênh cũ và xây dựng 906m kênh mới, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho 59 ha diện tích đất sản xuất của thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT), kết quả của mô hình xây dựng NTM gắn với chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp thể hiện qua bộ mặt nông thôn Tầm Ngân 2 đã ngày một khang trang, sạch đẹp hơn trước; kết cấu hạ tầng trong vùng dự án được cải thiện rõ rệt, sản xuất của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Để tăng cường sản xuất nông nghiệp, dự án đào tạo cho người dân về điều khiển máy nông nghiệp; về sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, phương pháp nuôi bò, heo, dê, gà và canh tác lúa, bắp, ớt, chuối, dừa, làm phân ủ theo chương trình khuyến nông tỉnh. Đặc biệt, việc tham gia mô hình trồng ớt đã giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất và là tiền đề để hình thành chuỗi giá trị sản xuất ớt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ số hộ nghèo đơn chiều chiếm tỷ lệ 42,4% trong năm 2014, Tầm Ngân 2 đã giảm xuống còn 32,4% hộ nghèo đa chiều vào cuối năm 2016.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh nhận xét: Qua thực hiện dự án, nhận thức của người dân về tính tự chủ, tính cộng đồng, khả năng tiếp thu và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được nâng lên nhiều và có thể tự duy trì, phát triển sau khi kết thúc dự án. Từ Tầm Ngân 2 đã cho chúng tôi thêm kinh nghiệm về cách làm theo mô hình xây dựng NTM gắn với chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Theo mô hình, điểm đáng chú ý nhất là việc Tầm Ngân 2 thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp ngày 19-8-2015 với 32 thành viên. Ngoài cơ sở vật chất được xây dựng như Văn phòng HTX, ngân hàng nông cụ, kho vật tư nông nghiệp và sân phơi…, HTX còn cho vay tín dụng xã viên, vận hành xưởng sơ chế ớt (do Tập đoàn CJ xây dựng). Theo thỏa thuận, CJ thực hiện cam kết trích ít nhất 0,3% giá thu mua ớt để đóng góp vào quỹ cộng đồng của thôn trong suốt thời gian hoạt động của xưởng sơ chế ớt. Có thêm nguồn thu này, Tầm Ngân 2 đã có thêm vốn để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển.
Từ kết quả đạt được của mô hình xây dựng NTM gắn với chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp nêu trên, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tiếp tục chủ trì triển khai thực hiện nhằm phát huy thành quả dự án, trước hết là phát triển mở rộng vùng trồng nguyên liệu ớt cung cấp cho nhà máy sơ chế ớt vận hành thành công. Theo đồng chí Phan Quang Thựu, tác động của dự án trên không chỉ đối với Tầm Ngân 2, mà còn cho kinh nghiệm, cách làm hay để các huyện, xã trong tỉnh vận dụng vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ có sự tham gia của doanh nghiệp. Mục đích của việc áp dụng mô hình này là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân, tạo nguồn lực đóng góp xây dựng NTM.
Theo Bạch Thương/Ninh Thuận.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã