Tỉ phú trẻ Nguyễn Quốc Uy khởi nghiệp thành công từ trang trại trồng nấm. Ảnh Trần Hiếu
Sinh ra ở xã Đăk Jrăng, H.Mang Yang (Gia Lai), sau khi tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông (Đại học Tôn Đức Thắng) năm 2006, Nguyễn Quốc Uy được Tập đoàn King Ship (Đài Loan) nhận vào làm việc tại TP.HCM. Mới ra trường, có thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng là ước mơ của không ít sinh viên. Nhưng đột nhiên Uy nghỉ việc về quê khởi nghiệp với trang trại trồng nấm.
Những trái đắng đến quả ngọt đầu tiên
Năm 2009, Uy trở về mang theo giấc mộng làm giàu từ đồng đất quê nhà. Mọi thứ vẫn còn lạ lẫm với chàng kỹ sư điện tử muốn khởi nghiệp từ nghề nông. Sau một thời gian tính toán, tìm hiểu, Uy quyết định đầu tư trang trại trồng nấm - nghề mà gia đình anh đã làm một thời gian ngắn.
“Em tìm hiểu thấy cây nấm rất phù hợp với khí hậu mát mẻ ở Gia Lai. Đặt vấn đề với nhiều tiểu thương, họ đều hứa sẽ mua sản phẩm nếu em làm được. Có chút tiền tiết kiệm, em vay mượn thêm mở trại nấm đầu tiên. Cũng vất vả, trầy trật lắm khi nấm không lên, không đạt chất lượng”, Uy nói.
Những mẻ nấm đầu tiên làm ra chất lượng không như ý. Tiểu thương chê. Uy tìm hiểu và phát hiện sở dĩ nấm không đạt là do nhiệt độ, độ ẩm chưa chuẩn. Vậy là tiếp tục mày mò, thử nghiệm. Tất cả những khó khăn rồi cũng bị Uy khuất phục bằng ý chí, sự cầu tiến và kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước. Chỉ một thời gian ngắn, cái tên Trại nấm Mang Yang bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. Nguồn thu ổn dần. Từ vài triệu mỗi tháng, trang trại nấm có thu nhập tăng dần vài chục triệu và đến nay đã có thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Chủng loại nấm sản xuất ra cũng phong phú với các loại như bào ngư, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi…
Mỗi ngày, trang trại nấm của Uy sản xuất trung bình 200 - 300 kg nấm. Thị trường mở rộng dần ra một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Ngoài ra, cứ vài ba tháng Uy lại xuất bán hàng tấn mộc nhĩ. Tất cả nấm sản xuất ra đều được tư thương bao tiêu. Không những vậy, từ các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nấm, Uy còn tạo thêm nguồn phân bón cho 2 ha cà phê của mình với năng suất rất ổn định, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trang trại nấm hiện đại của tỉ phú trẻ
Hiện toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 20 cơ sở sản xuất nấm và Uy là chủ cơ sở trẻ nhất trong số này. “Những trang trại nấm khác có chủ đều lớn tuổi. Các bác, các cô chủ trại đã làm nấm từ hàng chục năm qua. Song, trại nấm của em với diện tích hơn 2.000 m2 có lẽ là lớn nhất. Hiện em có 10 nhà sản xuất liên tục các loại nấm. Ngoài ra, em còn bán phôi, thu mua nấm cho người dân xung quanh vùng”, Uy nói. Năm 2013, Uy lập gia đình và vợ anh cũng xin nghỉ việc ở một tập đoàn về nhà phụ chồng điều hành trại nấm.
Trang trại nấm Mang Yang của Uy có khoảng chục nhân công với mức thu nhập 5 - 6 triệu mỗi tháng. Đây là thu nhập không nhỏ đối với người dân nông thôn. Đi làm công cho trại nấm của Uy, nhiều người đã có điều kiện lo cho con cái học hành chu đáo. Họ cũng học được kỹ thuật trồng nấm để mua phôi nấm về làm, sau đó bán lại sản phẩm cho Uy.
Hàng tỉ đồng được Uy đổ vào đầu tư gầy dựng nên những trang trại trồng nấm với mức thu nhập khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi năm. Hiện chàng tỉ phú trẻ mới 35 tuổi này đã đầu tư toàn bộ hệ thống tưới phun sương tự động để điều chỉnh nhiệt độ cho từng trại nấm. Uy cho biết nếu tưới thủ công thì phải mất một ngày, ba đến bốn nhân công mới tưới hết được toàn bộ trại nấm nhưng lại không được đều, nhiệt độ không đảm bảo. Với hệ thống tưới phun sương, chỉ cần một cái gạt công tắc, trong 15 phút toàn bộ trại nấm đã được tưới hết. Những công đoạn khác để trồng nấm cũng được Uy đầu tư máy móc.
Chia sẻ về bí quyết thành công, Uy cho rằng: "Nghề nào cũng khó khăn và có những trục trặc chứ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mình phải làm chắc chắn. Em có hai người thân theo học về công nghệ sinh học ở TP.HCM nên khi cần là có sự trợ giúp ngay. Đầu tư trang trại trồng nấm phải theo hướng chuyên sâu mới nâng cao được chất lượng và sản lượng nấm”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã