Anh Thanh trước trang trại của mình.
Chinh phục rộc hoang
Xuất ngũ trở về địa phương năm 1987, Thanh lấy vợ và sinh 5 người con. Ngoài làm ruộng, hai vợ chồng anh còn lên rừng kiếm củi đem đi chợ bán rồi cấy thuê, gặt thuê..., làm quần quật cả ngày nhưng đói nghèo vẫn bám riết lấy gia đình. Nhiều đêm trằn trọc nghĩ cách thoát nghèo nhưng chẳng biết làm gì nơi vùng đất nổi tiếng “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này. Thế rồi, khi đi ngang rộc Giêng ở ngoài đồng xa, trong đầu Thanh chợt lóe lên ý tưởng xin đấu thầu để lập nghiệp.
Lúc đầu nêu ý tưởng đó ai cũng cho anh là gàn, là điên bởi rộc Giêng nổi tiếng là vùng “ma thiêng nước độc” với những tin đồn rất rùng rợn, ai nghe cũng phải giật mình. Mặc, chí đã quyết, Thanh làm đơn xin xã thầu vùng rộc Giêng để làm trang trại. Ông Phan Minh Trọng, Chủ tịch UBND xã ngày ấy thấy được ý tưởng táo bạo nhưng rất có cơ sở đó đã ký cái roẹt ngay sau khi nhận và đọc đơn của Thanh. Ông vỗ vai Thanh động viên: “Dũng cảm lắm! Cố lên chàng trai. Có khó khăn gì xã sẽ ủng hộ”.
Thanh kể: “Đó là vào mùa khô năm 2008, tôi một mình ra rộc Giêng dựng lều và bắt đầu phát dọn năn, lác để làm ruộc trồng lúa và đào ao thả cá. Tôi làm ngày làm đêm, hai bàn tay phồng rộp, bóc da, toé máu; đêm nằm một mình nghe ếch nhái kêu, nhiều khi nghĩ cũng nản, nhưng đã “cưỡi lên lưng hổ” là phải phi thôi”.
Mất hơn 1 năm, Thanh mới cải tạo được xong rộc Giêng, anh vui mừng thả 5 tạ cá giống. Thế nhưng, khi đến kỳ thu hoạch thì gặp nắng hạn, cá chết nổi trắng ao, gia đình lại lâm vào cảnh nợ nần túng bấn. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, anh không nản chí mà tiếp tục đào một con mương dẫn nước từ đập về và san lấp rộc Giêng để cấy lúa, những vụ sau đó, anh liên tiếp thắng lợi lớn, hơn 5ha cá, lúa cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Trở thành tỷ phú
Không dừng lại đó, Thanh mạnh dạn vay vốn, học hỏi kỹ thuật mở trang trại chăn nuôi lợn và gà, vịt. Với vốn tích cóp từ nuôi trồng cá - lúa và vốn vay, Thanh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở rộng chăn nuôi.
Hiện, trang trại của anh ngoài 2ha cá - lúa còn có hơn 200 lợn nái và lợn thương phẩm, 4.000 vịt đẻ và 5 con bò, lãi trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, Thanh cho biết: “Lúc đầu tôi nuôi lợn và vịt cũng thất bại, nhưng là do chưa biết kỹ thuật nuôi và cách phòng dịch bệnh. Rút kinh nghiệm, tôi đi học một lớp thú y, tham quan các mô hình chăn nuôi thành công. Tiếp theo là tìm tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập... Tất cả phương tiện, người, lợn vận chuyển vào khu vực chăn nuôi đều phải qua khâu khử trùng. Việc xử lý chất thải, nước thải cũng được thực hiện tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường. Còn thức ăn, thì ở quê tôi, nông sản như ngô, sắn, lúa, khoai rất nhiều, cứ vụ mùa là tôi thu mua về chế biến thức ăn cho lợn và cá. Vừa đảm bảo vệ sinh, thịt sạch, vừa giảm giá thành thức ăn”.
Hỏi về những dự định cho tương lai, tỷ phú Nguyễn Văn Thanh nói: “Sắp tới, tôi sẽ xây dựng trang trại nuôi ếch, nâng cấp trang trại nuôi lợn. Mục tiêu của tôi là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, giúp họ thoát nghèo và làm giàu”.
Chia tay tỷ phú nông dân trong tiếng vịt, tiếng lợn kêu huyên náo cả một vùng, từng đàn cá lấp lánh ánh bạc, chúng tôi thầm khâm phục và chúc cho những dự định và mục tiêu của Thanh sớm trở thành hiện thực.
Tiến Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã