Ông Phan Văn Anh trú ở thôn Trà Giang, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận)-vùng đất nắng nóng quanh năm. Hiện nay, mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) của gia đình ông Anh đã dần ổn định với 7 sào đất trồng trên 130 cây xoài ghép và 100 cây dừa, 3 sào ao nuôi cá, gần 5 sào diện tích chuồng trại nuôi 10 con heo nái, 60 con heo thịt...
Ông Phan Văn Anh đang chăm sóc những cây xoài ghép độc đáo vốn ghép từ xoài cát Hòa Lộc và xoài Úc. Trên 1 cây xoài ghép này cho ra 2 loại trái khác nhau khiến nhiều người tìm đến nghiên cứu, học hỏi và áp dụng theo. Ảnh: K.T.
Lợi ích của mô hình VAC là quy trình khép kín, chất thải của heo cung cấp thức ăn cho cá, còn nước ao cá để tưới cây; ao còn cung cấp bùn, chất hữu cơ để làm tăng năng suất cho cây trồng, tất cả đều đem lại thu nhập xoay vòng ổn định cho gia đình.
Trong số những loại cây, con của gia đình ông Anh nuôi trồng thì cây xoài đặc biệt phát huy giá trị kinh tế. Sau khi trực tiếp học hỏi kinh nghiệm trồng xoài ghép ở Nha Trang (Khánh Hòa), ông Phan Văn Anh về áp dụng trên vườn cây ăn trái của mình. Với giống xoài đặc sản là xoài cát Hòa Lộc được ông Anh ghép với giống xoài Úc. Kết quả bất ngờ, cây xoài cho ra 2 loại trái trên cùng một cây, mỗi trái có trọng lượng "khủng" từ 800g - 1,5kg. Vụ xoài vừa qua, ông Phan Văn Anh thu về hơn 90 triệu đồng từ giống xoài ghép độc đáo này. Ngoài ra, vốn có kinh nghiệm từ việc trồng dưa hấu hơn 15 năm, vào mùa trồng dưa hấu bán Tết, ông lại thuê khoảng 5ha đất của bà con quanh vùng để trồng.
Với tính siêng năng, cần cù và ước muốn làm giàu từ kinh tế trang trại, ông Phan Văn Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Trà Giang đã bền bỉ, từng bước phát triển kinh tế theo mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.
Chia sẻ về quá trình làm giàu đầy gian khó của mình, ông Anh cho biết: Trước đây, khi mới đặt chân đến, nơi đây là mảnh đất cằn cỗi, vắng bóng người, quanh năm suốt tháng nắng hạn nhiều hơn mưa. Ban ngày ông phải đi làm thuê để kiếm tiền, vợ ông thì chăn nuôi thêm gà, tối về ông ra vườn tranh thủ san ủi đất.
Vì mặt đất ở đây nhiều gò, trũng, ông phải xúc đất từ chỗ cao lấp vào chỗ thấp để thành mảnh đất bằng phẳng và thuê thêm đất của bà con xung quanh trồng dưa hấu. Với phương châm “lấy công làm lời”, 2 vợ chồng cần mẫn sớm tối làm ăn, nhờ trúng được vài vụ dưa hấu mà gia đình có số vốn, sang nhượng đất của bà con để mở rộng diện tích. Có gần 1,5 ha đất ban đầu, gia đình trồng cây xoài cát Hòa Lộc xen với dừa xiêm, đến năm 2015 thì đào thêm ao thả cá và làm chuồng chăn nuôi heo theo mô hình VAC khép kín.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình VAC của gia đình, chỉ vào ao cá, ông phấn khởi: Tuy diện tích ao nhỏ nhưng tôi nuôi rất nhiều giống cá nước ngọt khác nhau như: rô phi đợn tính, trê, chép, điêu hồng...Cá ăn theo 3 tầng nước, chủ yếu từ phụ phẩm chăn nuôi nên không phải bỏ công chăm sóc mà lợi nhuận mỗi năm thu được cũng hơn 20 triệu đồng. Từ nước trong ao, tôi bơm nước lên tưới cho cây trồng. Riêng cây dừa mỗi tháng tôi hái trái bán cũng hơn 3 triệu đồng...
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Sơn, cho biết: Mô hình VAC khép kín của ông Phan Văn Anh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, ông Anh luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm về trồng xoài ghép, cung cấp giống cây trồng cho bà con quanh vùng...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã