Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi của tỉnh Thanh Hóa, cuộc sống gia đình anh Hoàng Anh Sơn (thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành) rất vất vả. Khi còn nhỏ, anh chỉ mong đi học rồi có nghề nghiệp ổn định để có cuộc sống ấm no.
Khi vào đại học, được tiếp xúc với nghề cơ khí, anh Sơn nhận ra đây là nghề có tiềm năng phát triển tại quê hương và quyết tâm đi học lớp cơ khí rồi về quê khởi nghiệp. Thời gian đầu, mọi việc rất khó khăn bởi thiếu vốn, chưa có kinh nghiệm...
Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay giải quyết việc làm đạt gần 15.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh |
Thông qua Đoàn Thanh niên ở địa phương, anh Sơn đã tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 250 triệu đồng. Vốn vay được đầu tưmua sắm trang thiết bị, máy móc và mở rộng các mặt hàng, thuê thêm nhân công và mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, từ cơ sở sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ với doanh thu 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm, anh Sơn đã thành lập doanh nghiệp sản xuất cơ khí, với doanh thu 4 - 4,5 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định ở mức 300 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 9 nhân công.
Anh Sơn chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, có uy tín trên thị trường, đóng thuế cho Nhà nước và có điều kiện để tham gia các chương trình ủng hộ cộng đồng dân cư và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn và xã”.
Tương tự trường hợp anh Sơn, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng triệu hộ gia đình, cơ sở sản xuất có nguồn lực để tổ chức sản xuất - kinh doanh, từ đó làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều người khác. Chẳng hạn, gia đình anh Nguyễn Mạnh Quân (ở Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có nghề mộc truyền thống, nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nên chưa có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất.
Qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, gia đình anh đã tiếp cận vốn vay ưu đãi từ chương trình tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và được vay 50 triệu đồng để mua máy móc phát triển nghề mộc. Hiện nay, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập gần 140 triệu đồng, tạo được việc làm thường xuyên cho 2 lao động khác. Nhờ có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, từ hộ khó khăn, gia đình anh cải thiện cuộc sống, sửa sang được nhà ở, mua sắm thêm vật dụng phục vụ sinh hoạt và có điều kiện tham gia các phong trào của địa phương.
Được biết, từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chú trọng hoạt động cho vay giải quyết việc nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho vay không ngừng tăng lên. Tính đến ngày 30/9/2018, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 7.631 tỷ đồng so với năm 2015. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỷ đồng, với gần 476.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỷ đồng, với trên 15.000 hộ vay còn dư nợ.
Đặc biệt, trong 3 năm (2016 - 2018), hoạt động cho vay giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động ngày càng hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng tốt hơn. Doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 15.477 tỷ đồng, doanh số cho vay xuất khẩu lao động đạt 746 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho trên 535.000 lao động và giúp trên 11.000 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Đạt được kết quả trên là nhờ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực tổ chức triển khai thực hiện cho vay tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức tốt việc thu hồi nợ, thu lãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội là nơi cho vay và tại các điểm giao dịch tại xã theo định kỳ hàng tháng đối với tất cả các đối tượng vay vốn.
Đáng chú ý, các địa phương cũng quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm bằng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt trên 6.285 tỷ đồng, chiếm 59% trên tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng khác bằng nguồn vốn ủy thác của địa phương. Trong đó, một số thành phố có số vốn ủy thác lớn như Hà Nội (2.134 tỷ đồng), Bình Dương (535 tỷ đồng), TP.HCM (508 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (406 tỷ đồng)...
Theo Nguyễn Duy/baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã