Năm 1991, như nhiều hộ khác trên địa bàn, vợ chồng ông Lợi dồn hết vốn liếng để trồng 9 sào cà phê. Sau 10 năm theo đuổi loại cây trồng này, ông Lợi nhận thấy sự bấp bênh do giá cà phê phụ thuộc nhiều vào thị trường, sản lượng không ổn định do thời tiết nên quyết định bán rẫy để mua 1,7 ha đất ở cuối thôn 8, xã Cư Êbur. Ông Lợi kể: “Lúc ấy vợ bảo tôi “dở hơi” vì chọn mua khu đất “khỉ ho cò gáy” này, bởi muốn đi vào đây phải lội qua một con suối, đất đai thì bạc màu, ngập úng... Nhưng tôi vẫn quyết chí theo đuổi con đường riêng của mình”.
Ban đầu, vợ chồng ông mất cả năm trời để cải tạo, quy hoạch từng khu đất để chọn loại cây trồng phù hợp. Vùng đất khô ráo, ông trồng các loại rau như: khổ qua, dưa leo, cà pháo, bầu bí… Trung bình mỗi năm ông thu được trên 30 tấn rau các loại, lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, ông tiếp tục đầu tư múc 2 ao ở vùng đất trũng để nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, trê, rô phi, thu được sản lượng trên 2 tấn/năm.
Năm 2012, ông Lợi mua 10 con dê giống Bách Thảo về nuôi, mỗi năm thu lợi được 30 - 40 triệu đồng/năm. Bốn năm sau, nhận thấy tuy giống dê này đẻ nhanh, nhưng thời gian nuôi kéo dài 9 tháng mới có thể xuất bán nên ông lặn lội xuống các tỉnh miền Đông Nam Bộ bỏ ra trên 700 triệu đồng mua trên 90 con dê giống Boer về nuôi, vì loại dê này chỉ cần nuôi khoảng 6 tháng là bán được. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên dê chết hết 63 con. Không nản chí, ông mày mò nghiên cứu cách chăn nuôi loài dê này và rút ra được kinh nghiệm: cho ăn các loại lá và ngô thay vì cám tổng hợp như ở trang trại trước kia. Hiện nay với 27 dê mẹ, trung bình mỗi năm ông Lợi có được khoảng 100 dê thịt và dê giống, thu lợi nhuận 120 – 140 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Lợi còn xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi thêm 10 con trâu, bò. Nguồn phân thu được từ chăn nuôi, ông xử lý để bón cho cây trồng nên tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư.
Sau khi tìm hiểu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tham khảo nhu cầu thị trường, năm 2017, ông tiếp tục cải tạo đất, đào mương thoát nước để trồng 700 cây quýt, mít, dừa trên diện tích 8 sào, hiện đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho thu hoạch trong thời gian tới. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lợi còn tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương và phát huy tốt vai trò của Chi hội trưởng nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbur Nguyễn Thị Hà nhận xét: “Ông Lê Xuân Lợi là một nông dân năng động, chịu khó tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình trang trại VAC của gia đình ông là điểm tham quan, học tập cho cán bộ, hội viên của các chi hội khác trong xã...".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã