Thu hoạch cá hồi.
Có thể kể đến trang trại cá hồi Khau Phạ (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), mỗi năm nuôi 15.000-20.000 con cá hồi với khối lượng khi thu hoạch đạt 1,5- 2 kg/con, với giá bán trên dưới 300.000đ/kg.
Trang trại cá hồi Khau Phạ nằm trên đèo Khau Phạ, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Đây là nơi có nhiệt độ thấp nên phù hợp với giống cá này. Trang trại do vợ chồng chị Đoàn Thị Lan Thanh và anh Nguyễn Quang Huy đầu tư từ năm 2008, với hơn 20 bể nuôi. Khu vực đèo Khau Phạ có độ cao lớn, có rừng già che phủ nên nhiệt độ nước lạnh (17-18 độ C vào mùa hè, 13-14 độ C vào mùa đông), nguồn nước sạch sẽ, nằm bên quốc lộ 32, thuận tiện đường đi. Được biết, cứ mỗi tuần một lần, người nuôi lại hòa nước muối khắp bể cho cá được tắm muối. Thêm nữa, cá hồ thích nước chảy, lại ưa sạch sẽ nên nước phải từ trong rừng già, chảy qua bể lắng và cứ 3 ngày lại phải rửa bể một lần.
Mỗi lứa, trang trại cá hồi Khau Phạ nuôi khoảng 10.000 cá giống, mỗi con giống giá chừng 10.000 đồng. Trung bình một năm trang trại nuôi từ 3-4 lứa, cung cấp ra thị trường khoảng 15.000-20.000 con cá, lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Còn tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, nhiều người biết tiếng gia đình ông Hoàng Văn Tạ từ việc nuôi cá hồi. Cá hồi gióng ông Tạ mua từ Sa Pa (Lào Cai), phù hợp với nguồn nước cũng như nhiệt độ ở Mẫu Sơn.
Hơn 10 năm trước, năm 2007, ông Tạ nuôi lứa cá hồi đầu tiên. Tới nay gia đình ông đã có 6 bể cá hồi, mỗi năm nuôi 2 lứa với tổng số 2.000 con (cả cá giống và cá thương phẩm). Sau một năm nuôi cá thương phẩm đạt từ 1,5-2kg/con.
Lứa đầu tiên ông thả 800 con cá giống, nhưng tổng kinh phí đầu tư cũng mất gần 1 tỉ đồng. Đó là vào tháng 3 năm 2007. Cho đến tháng 9, ông thu hoạch vụ cá đầu tiên. Thắng lợi, tháng 10 ông thả tiếp vụ cá thứ hai, và sau 6 tháng cũng lại thắng lợi. Kể từ đó, ông Tạ mở rộng chăn nuôi. Nhiều người dân trong vùng được ông trả công chăm nom cá, với mức thu nhập cao hơn làm nông. Bà con rất phấn khởi.
Không dừng lại ở đó, ngoài nuôi cá hồi, ông Tạ còn kinh doanh nhà hàng trên đỉnh Mẫu Sơn, mỗi ngày bán được khoảng 40kg cá hồi. Du khách đến đỉnh Mẫu Sơn rất chuộng món cá hồi của nhà hàng, bởi cá vừa vớt lên được chế biến luôn nên thịt rất tươi và ngon.
Tuy nhiên, ông Tạ cho biết, nuôi cá hồi rủi ro rất cao, không cẩn thận là trắng tay. Yếu tố quan trọng khi nuôi cá hồi là nước phải lạnh, sạch, lượng oxy cao. Nhiệt độ dưới nước tốt nhất là 12 - 13 độ C, cao nhất là 17 - 18 độ C. Nước được dẫn từ tất cả các khe nước xuống. Cá hồi ít bị dịch bệnh nhưng gặp nước bẩn sẽ chết ngay. Để đảm bảo môi trường nước sạch, ông phải chở hàng xe muối về thả vào bể để sát trùng.
Cuối cùng, còn có thể kể đến những hộ nuôi cá hồi “vân” ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Đây được coi là “thủ phủ” của cá hồi Việt Nam. Tới nay, nuôi cá hồi “vân” ở Sa Pa được coi là phát triển song song với du lịch, thu lợi nhuận cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều bà con trong vùng.
Theo Thành Hoàng /Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã