Đi lên từ nuôi rắn độc
Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình thuộc thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã biết cách gây giống, nuôi và chăm sóc rắn hổ mang - một loài rắn “cực độc”. Nhưng chính loài rắn này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Nguồn thức ăn cho rắn dồi dào, chủ yếu là cóc, gà con, vịt con. Những năm gần đây, do yếu tố giá thành, nhiều hộ lựa chọn gà và vịt con thay cho cóc. Giá cóc dao động khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá gà, vịt con chỉ khoảng 30.000 đồng/kg.
Ông Đồng Văn Phong - chủ hộ gia đình đang nuôi hơn 600 con rắn, với hơn 14 năm trong nghề - chia sẻ: “Với những con rắn dưới 0,5kg sẽ ăn hết số thức ăn bằng 25-30% khối lượng cơ thể, với những con trên 1kg sẽ ăn hết khoảng 10% cơ thể. Như vậy, với số lượng rắn mà gia đình tôi đang nuôi, mỗi lần cho ăn khoảng 60kg thức ăn tươi/lần/ngày.”
Không chỉ dễ dàng trong việc chăm sóc mà loài rắn cực độc này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc bán thịt, da và đặc biệt là trứng. Giá rắn thịt ở thời điểm hiện tại là 500.000 đồng/kg. Trọng lượng trung bình mỗi con khi xuất chuồng đạt khoảng 1,5kg/con, những con to lên tới 2,5-3 kg.
Rắn hổ mang đen trở thành một trong những món đặc sản nổi bật của xã Nghĩa Hòa trong vòng chục năm nay. Không chỉ xuất khẩu, chế biến các món ăn mà rắn hổ mang đen còn được sử dụng để ngâm rượu. Tuy nhiên, do giá thành cao nên đặc sản từ thịt rắn chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó, thu nhập của nhiều hộ gia đình chủ yếu nhờ việc bán trứng rắn. Rắn thường đẻ trứng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Bình quân, mỗi con rắn cái sẽ đẻ được 20 quả trứng. Ở thời điểm tháng 5 năm ngoái, giá trứng rắn khoảng 75.000 đồng/quả. Nhưng ở cùng kì năm nay, giá trứng rắn chỉ khoảng 30.000 đồng tới 35.000 đồng/quả. Trung bình tổng thu nhập từ việc nuôi khoảng 100 con/năm, sau khi đã trừ tất cả các chi phí, người dân thu về từ 50-70 triệu đồng.
Ngày bắt đầu vào nghề, những hộ gia đình nơi đây phải đầu tư số tiền khá cao để nhập giống từ bên ngoài. Nhưng hiện nay, do nắm bắt được kỹ thuật gây giống, những hộ gia đình này đã tự chủ được nguồn giống. Họ lựa chọn những cặp bố mẹ khỏe, đẹp của lứa trước để lấy trứng giống. Những quả trứng này được chọn lựa một lần nữa và vùi vào cát khoảng hai tháng với ánh sáng và nhiệt độ phù hợp. Kỹ thuật này đã giúp cho người dân nơi đây bớt một khoản chi phí khá lớn ban đầu, đồng thời được chủ động lựa chọn và đảm bảo sức khỏe của con giống.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa - được ông cho biết: “Mô hình nuôi rắn tại thôn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được xem xét để có thể nhân rộng. Hiện nay, ủy ban đã phối hợp với cơ quan chức năng, cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra theo dõi, đảm bảo các thủ tục cho các hộ chăn nuôi được an toàn và theo đúng quy định của pháp luật”.
Còn lắm gian truân
Đặc điểm của loài rắn hiệu quả kinh tế cao này là có lượng độc tố cực kỳ lớn. Anh Đồng Văn Thưởng - người nuôi rắn tại thôn Hạ - chia sẻ: “Những con rắn được nuôi có độc gấp 4 lần rắn hoang dã vì 4 ngày nó mới được ăn một lần. Còn rắn ngoài tự nhiên đêm nào nó cũng đi kiếm mồi nên độc tố được giảm bớt…”. Có lẽ bởi vậy mà nghề nuôi rắn này đòi hỏi sự cẩn thận cao độ. Sự nguy hiểm, sự cẩn trọng trong nghề là một trong những lý do khiến nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn vẫn còn lo ngại.
Kể với chúng tôi, anh Thưởng tỏ ra khá đăm chiêu khi nghĩ về những lần rắn xổng chuồng khiến gia đình hết sức hoảng sợ: “Trước đây, có lần rắn xổng chuồng chui vào chăn nằm hay cũng có con xổng ra rồi đẻ trứng ở bờ ao, nhưng rất may, sau đó gia đình đã tìm được chúng và không có thiệt hại nào đáng tiếc xảy ra”.
Sau lần đó, người dân đã xây dựng lại hệ thống chuồng trại kiên cố hơn. Mỗi chú rắn được nhốt trong một khu chuồng riêng biệt, bên dưới là lớp đất dày tơi xốp, bên trên được đậy bởi một nắp bêtông dày gần chục phân để đảm bảo an toàn hơn.
Dù nghề này đã tồn tại hơn 10 năm nhưng những hộ gia đình nơi đây vẫn gặp phải khó khăn về đầu ra. Họ chủ yếu xuất qua thị trường TQ và thường bị thương lái nước này ép giá. Do vậy, giá cả đầu ra không ổn định.