Nông dân xã Lâm Thượng đang phơi măng mai.
Có lợi thế về diện tích đất đồi lớn, khi được chính quyền địa phương vận động mở rộng trồng cây măng mai, gia đình chị Hoàng Thị Thường, dân tộc Tày, ở bản Khéo đã nhiệt tình hưởng ứng và mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô, đỗ tương sang trồng măng mai. Vốn đầu tư ban đầu không cao, lại dễ chăm sóc, nên năm 2009 gia đình chị đã trồng được gần 1.000 gốc măng. Qua 8 năm triển khai, vừa trồng, vừa cung cấp giống ra thị trường và thu gom măng của bà con trong bản để bán, mỗi năm gia đình chị có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo chị Thường, trồng cây măng thực sự phù hợp với điều kiện của gia đình. Cây măng trồng tốt nhất là vào mùa xuân vì đây là thời điểm lượng mưa đều. Lúc trồng đối với đất bằng thì bón lót phân NPK hoặc phân chuồng. Khi thu hoạch, mỗi gốc phải để 2-3 củ măng phát triển thành cây cho sang năm mọc măng tiếp. Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm gia đình chị tất bật với việc phơi măng để bán. Chị Thường cho biết thêm: “Từ trước tới giờ, gia đình tôi trồng nhiều loại cây rồi nhưng thấy cây măng mai đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó, mấy năm nay đời sống khá giả hơn nhiều”.
Gia đình anh Hoàng Văn Bình là 1 trong những hộ đầu tiên trồng măng mai ở bản Muổi. Qua học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước, năm 2007, anh mạnh dạn trồng gần 500 gốc măng trên diện tích đồi của gia đình. Năm 2010, những gốc măng bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi năm anh bán được hàng chục tấn măng tươi, khô các loại, trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Anh Bình chia sẻ: “Gia đình tôi không chỉ tập trung trồng măng mai mà còn thu mua của các hộ dân trong và ngoài thôn để cung ứng cho thị trường, tôi thấy đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao”.
Không chỉ gia đình anh Bình, chị Thường mà nhiều hộ gia đình khác ở xã Lâm Thượng cũng có thu nhập khá từ trồng tre măng mai. Hiện, toàn xã đã có khoảng 500ha, tập trung ở các bản Khéo, Nặm Chắn và Nặm Chọ, với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn măng tươi mỗi năm, thu về hàng tỷ đồng cho người dân địa phương. Riêng vụ măng năm 2016, bà con thu được gần 1.100 tấn măng tươi, trị giá gần 5 tỷ đồng.
Qua đánh giá, măng mai là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi búi cho thu hoạch 2 - 3 tạ măng tươi. Khi thu hoạch về, bà con phơi khôi rồi bán ra thị trường với giá trên 100.000 đồng/kg.
Từ hiệu quả kinh tế của cây măng mai đem lại cho nông dân trong xã, thời gian tới, xã Lâm Thượng vẫn chú trọng định hướng phát triển măng mai là cây trồng chủ lực để giúp người dân từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Hoàng Kim Thành, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, cho biết: “Mặc dù hiện nay còn gặp khó khăn về thị trường, song có thể nói, măng mai là cây trồng chủ lực giúp bà con trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Theo nghị quyết của Đảng bộ xã, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc mở rộng diện tích, đồng thời chủ động phối hợp với huyện để tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm”.
Từ hiệu quả kinh tế trồng măng mai ở xã Lâm Thượng, tỉnh Yên Bái đang nhân rộng ở nhiều địa phương, giúp nhiều hộ nông dân có thể làm giàu từ chính mảnh vườn, đồi nương của mình.
Khắc Điệp/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã