Học tập đạo đức HCM

Làm nông kiểu khác: Những chàng trai cô gái đi ngược chiều thế giới

Chủ nhật - 22/10/2017 23:28
Trong những ngày chuẩn bị cho các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Campuchia (các tỉnh giáp giới Việt Nam), tôi gặp lại một người quen cũ, anh từng là chủ tịch một huyện của Tà Keo, giờ xin thôi việc nhà nước, qua đầu tư xuất khẩu nông sản. Vẫn cười nói tưng bừng hào sảng. Anh hồn nhiên: công thức của tụi tôi là “bớt lúa bớt nghèo, lúa ngon mình ngon, lúa sạch mình giàu”.

Công thức của anh còn dài nữa, anh vừa nói vừa “ra bộ” rùng mình sợ hãi khi nhắc tới thuốc sâu thuốc cỏ. Rồi anh kết luận, muốn bán gạo cho thế giới thì đưa họ đóng dấu gạo mình sạch, ngon số một, rồi siêng đi rao đi bán, chỉ vậy thôi.

 lam nong kieu khac: nhung chang trai co gai di nguoc chieu the gioi hinh anh 1

Năm 2015, cô bỏ văn phòng máy lạnh về quê, bắt đầu làm lại những nương trà không hoá chất và làm thêm món matcha để nâng giá trị cây trà.

Ta đang đi ngược chiều thế giới?

Chỉ vậy thôi, mà sao tôi nghĩ quá mệt cái đầu. Nghĩ tới cuộc chiến bất phân thắng bại và nguy nan khi nông nghiệp Việt Nam bị kéo về hai chiều ngược nhau. Thế giới đã tuyên ngôn thẳng thừng với FSMA, luật Hiện đại hoá thương mại áp dụng đầy đủ ở Hoa Kỳ, cho cả thực phẩm nhập và nội địa, đang ảnh hưởng nặng nề tới xuất khẩu thực phẩm Việt Nam. FSMA đòi đảm bảo an toàn cho sản phẩm, theo cách hoàn toàn khác với việc kiểm định trực tiếp chất lượng sản phẩm tại cảng của FDA trước đây. Thực hiện FSMA, phải thiết kế hệ thống, quy trình, cả người, thiết bị, sao cho an toàn từ khâu đầu đến người tiêu dùng cuối cùng. Châu Âu và các thị trường lớn còn đòi truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận tiêu chuẩn phổ quát nhất, bao hàm các biện pháp giám sát chuyên nghiệp và nghiêm ngặt.

Trong khi đó, một lò giết mổ heo ngay trong TP.HCM, tiêm thuốc an thần hàng loạt 4.000 con heo trong một lần bị bắt quả tang. Chợ Phú Nhuận, ngay hôm sau, tôi gặp một chị tiểu thương trẻ, vừa đọc báo vừa “bàn thế sự” với mọi người chung quanh: vậy chớ chi phí giờ cái gì cũng tăng mà giá bán có dám tăng đâu. Không làm vậy thì làm sao?

Nhưng thuốc an thần chưa đáng sợ bằng thuốc trừ sâu và trừ cỏ. Thống kê chính thức của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là: chín tháng đầu năm, Việt Nam bỏ ra 500 triệu USD nhập thuốc trừ sâu, trừ cỏ và nguyên liệu, mà hơn 50% nhập từ Trung Quốc, kế đó là từ Thái Lan (một doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở Thái Lan nói rõ, thuốc Trung Quốc đem qua Thái, đổi nhãn kiểu liên doanh nhập về, cốt khỉ cũng là cốt khỉ). Đều đều lượng thuốc trừ sâu tăng nhanh hàng năm. Năm 2009, mỗi năm nhập 50.000 tấn thuốc sâu, năm nay, dự kiến đạt 100.000 tấn. 30.000 đại lý thuốc trừ sâu trên toàn quốc là đảm bảo cho việc “phân phát tử thần”, mua gì cũng có, giá nào cũng có.

VTV mới đây đưa thông tin: mỗi năm, số bao bì do nông dân sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ thải ra đến 20.000 tấn, ném vung vãi khắp nơi, thường không được xử lý. Thuốc bán không kiểm soát, không nhắc liều lượng, không khuyến cáo, càng không hướng dẫn sử dụng. Thuốc trừ cỏ bán rất rẻ, còn có quà tặng. Và hiện cũng bán tự do, rao khuyến mãi, giá rẻ tưng bừng trên Lazada nữa.

Thuốc trừ sâu, trừ cỏ và phân bón hoá học, giờ thành bạn đồng hành thân thiết với nông dân. Đất nghiện hoá chất, người cũng nghiện, vì không có “nó” là không biết làm nông kiểu gì luôn. Làm nông ở thế giới là công thức bốn sạch, nhưng ở Việt Nam, đang là bốn bất chấp: bất chấp chất lượng, bất chấp giá cả, bất chấp môi trường, và bất chấp luôn sức khoẻ, tính mạng mình.

Và thiệt hại do nông sản ngậm phải thuốc trừ sâu, trừ cỏ này thì vô cùng: tiếng xấu cho nông sản Việt Nam, và tất cả hậu quả về y tế rất nguy hại còn lặn sâu, kéo dài. Thảm hại nhất là thị trường vẫn tràn lan các loại thuốc độc này. Một nông dân Thái Nguyên nói về màn sương trắng bao phủ nương trà, sau khi họ phun thuốc: có người nói đây là “dioxin mới”, nhưng quy định vẫn là cứ để 15 ngày là thuốc tan, thu hoạch đem bán bình thường.

Một thông tin chưa kịp cũ. Ngày 3.4, tại cuộc họp thường niên của hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ tại Washington, D.C, các nhà nghiên cứu cho biết việc tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu làm nguy cơ ung thư gan cao hơn 71%. Kết quả quá trình phân tích tổng hợp của các nhà khoa học thuộc hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ, cho thấy thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Cố gắng thoát khỏi vòng vây của thuốc sâu thuốc cỏ

Tôi biết câu chuyện của hai đại gia muốn cùng nông dân làm nông sản sạch. Một anh sau ba năm, bó tay và nói, nhiều khi tôi thương họ mà cũng nhiều khi hận họ. Cam kết thề nguyền đủ thứ, chúng tôi cũng giám sát suốt ngày đêm đủ cách, nhưng xuất hàng, vẫn bị dư lượng thuốc trừ sâu. Căn vặn mãi, đối tác mới thú thiệt, em cho xịt chút xíu ban đêm, chỉ là cho lá đẹp thôi, không có trừ sâu trừ cỏ gì hết. Vậy là tôi mất luôn khách hàng lớn. Một đại gia khác thì nói, xài hoá chất đã thành nếp sống, thành niềm tin của nông dân rồi. Họ tin là phải có thuốc mới trồng tỉa được, không có thuốc họ mất hẳn tự tin và thấy thất vọng khi gặp những kết quả quá khó chấp nhận về năng suất. Tôi đầu tư 50% cho việc hỗ trợ họ trong canh tác và 50% cho giám sát độc tố mà vẫn không xuể. Chuyện sống chung với hoá chất là “văn hoá” của họ rồi, nên tôi phải bỏ chạy thôi. Có doanh nghiệp bỏ ra mấy triệu đôla, để chỉ xây dựng tập quán ẩm thực và sản xuất chế biến nông sản đảm bảo “NGON và LÀNH”, mà anh cũng muốn buông tay rồi.

Thị trường đã phát những tín hiệu bạo liệt, dứt khoát: an toàn, sạch mới sống, không thể chạy lo ở đâu, cách gì được. Nhưng cái tín hiệu sống còn đó vẫn còn chưa được nông dân thấu cảm?

Những tín hiệu của hy vọng

Bỗng xuất hiện những nông dân trẻ năng động, quyết liệt đúng chất tiên phong. Những Võ Văn Tiếng, Ngọc Trà hành động chứ không phân trần, luận giải. Họ đem cả cuộc sống của họ để LÀM NÔNG KIỂU KHÁC. Và có hơn 50 doanh nghiệp được cấp chứng nhận hữu cơ trên cả nước. Họ lặng lẽ làm nông theo đúng xu hướng của thế giới. Trước hết là nói không tuyệt đối với hoá chất. Ngọc Trà là cô gái trẻ sinh ra ở vùng đất danh trà Thái Nguyên. Bà mẹ cô muốn cô thoát đời nông dân nên cho về học đại học (chuyên ngành môi trường) ở Hà Nội. Ra trường, Trà có việc làm tốt, lương cao, nhưng cô hiểu nhiều về những nương trà quê cô giờ phủ đầy hoá chất và nỗi nhớ, nỗi đau kéo cô về. Năm 2015, cô bỏ văn phòng máy lạnh về quê, bắt đầu làm lại những nương trà không hoá chất và làm thêm món matcha để nâng giá trị cây trà. Cô thành công. Và dự án trà matcha Thái Nguyên vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 do BSA tổ chức. Cô sẽ về dự thi chung kết ở thành phố ngày 27.10.

Họ có những đặc điểm giống nhau. Coi làm nông an toàn là lý tưởng nghề nông. Không an toàn, thoả hiệp với chất độc là mất lý tưởng. Chú ý quy trình, giải pháp đồng bộ chuỗi giá trị. Biết lắng nghe thị trường. Biết liên kết, học hỏi không ngừng và chứng nghiệm không ngừng.

Có những người đặc biệt đã khám phá ra những công thức mới đặc biệt. Như doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, mới đây anh nói thẳng thừng trên diễn đàn về tài nguyên bản địa. Tôi nghĩ làm doanh nhân là không chắc thắng, phải làm địa chủ, nắm đất, kỹ thuật, làm luôn thị trường, thuê nông dân làm tá điền rồi cùng nhau hợp tác cùng có lợi. Phương pháp chính là: nông pháp hữu cơ, nông pháp vi sinh. Vô cùng tinh tế và khó khăn, đã đi phải có lực và phải đi đến cùng. Nhiều bạn bè tôi đã hành động kiểu này, Việt Nam bị khó hạn điền thì đi qua Campuchia, Lào, Myanmar mua đất đầu tư…

Có vẻ công thức mà chúng ta tâm đắc gần đây đã có sự chứng nghiệm và bị vượt qua rồi: doanh nhân đầu tư, hướng dẫn, giám sát việc làm nông và làm luôn thị trường, giờ ông Nguyễn Lâm Viên đã thử đưa ra giải pháp mới: địa chủ và tá điền, trên nền nông pháp hữu cơ.

Dù sao, cuộc tìm tòi vẫn đang tiếp tục, sôi nổi và có tính đột phá. Phương pháp hữu cơ bắt đầu được nhiều nhóm bạn trẻ khởi nghiệp đầu tư, nhiều đại gia chọn con đường đầu tư lớn cho nông nghiệp an toàn, cuộc tìm tòi của các nhà nghiên cứu vẫn bám sát thực tế để cung cấp “lương thực mới” cho những nhà nông kiểu mới. Rất mong Nhà nước quan tâm, cùng đồng hành và chấp nhận những hình thức, phương thức mới ngay khi các cuộc tìm tòi chứng minh được sự thành công căn cơ.

Nhưng cuối cùng, phải nói: khi Nhà nước chưa chính thức cấm bán buôn thuốc độc, thì mọi sự e là sẽ “vũ như cẩn” thôi.

Theo Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập441
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm438
  • Hôm nay52,320
  • Tháng hiện tại757,433
  • Tổng lượt truy cập90,820,826
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây