Từ "thua đau" khi mới vào nghề
Nhớ lại những ngày đầu mới tập tành trồng địa lan, ông Lê Thanh Hùng không khỏi bồi hồi. Ngày đó cách đây 10 năm, ông có người bạn ở Sài Gòn lên Đà Lạt thuê đất trồng hoa lan và có thu nhập ổn định. Rồi một ngày ông Hùng nghĩ: “Mình có quỹ đất, có thể học kỹ thuật trồng lan, quê mình lại có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với địa lan, tại sao mình không trồng lan”.
Ông Lê Thanh Hùng chăm sóc vườn địa lan của gia đình mình. Ảnh: Văn Long.
Nghĩ là làm, ông Hùng quyết định tìm hiểu, mày mò những gì liên quan đến địa lan. Gần một năm sau, khi đã nắm được kỹ thuật cũng như cách làm, ông Hùng bắt tay vào đầu tư với nôn nóng “chơi một vố lớn”. Vay ngân hàng được 50 triệu đồng, cộng thêm số tiền tiết kiệm của gia đình, ông Lê Thanh Hùng bắt đầu mua giống và trồng hoa lan trên diện tích 4.500m2.đất của gia đình mình. Địa lan từ khi lên chậu cho đến trưởng thành, ra hoa mất khoảng 4 năm, nên 3 năm liền ông Lê Thanh Hùng không có nguồn thu nhập nào, trong khi bà con xung quanh trồng chè, rau màu khác thì có thu nhập hàng ngày, hàng tuần. Điều này khiến vợ con đôi lúc càm ràm, sót ruột, còn hàng xóm cũng lo lắng thay cho ông Lê Thanh Hùng.
Vì người bạn của mình giới thiệu giống địa lan của Úc nên ông Lê Thanh Hùng rất tin tưởng sử dụng. Nào ngờ loại địa lan này trồng ở Đà Lạt không cho hoa bởi không hợp khí hậu. “Vì trồng mà không có hoa nên tôi mất trắng 10.000 chậụ, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ai cũng sót ruột và tiếc của thay cho tôi, có người còn kêu tôi dại, trong vùng người ta trồng chè thu đều đều, mình lại đi trồng giống lan không ra hoa..”, ông Hùng nhớ lại.
Đến thành công nhờ chuyển đổi giống lan
Cũng vì yêu hoa lan mà ông Lê Thanh Hùng không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Mặc dù thất bại, khó khăn, ông vẫn luôn tìm cách vực lại vườn lan của mình. Sau thiệt hại lớn, ông Hùng "lén" vợ tiếp tục vay mượn tiền đầu tư, rút kinh nghiệm để gây dựng lại vườn địa lan. “Mới đầu bà vợ nhà tôi phản đối ghê lắm, thậm chí bà ấy giận tôi cả tháng, đóng cửa không xuất tiền cho tôi đầu tư. Bà ấy giận, bà ấy lại lo tôi bỏ công mấy năm trời trồng lan không ra hoa. Tôi lại âm thầm đi mượn anh em và người quen để đầu tư trồng địa lan tiếp...”, ông Hùng kể
Lần này, ông Lê Thanh Hùng trồng loại địa lan nguồn gốc Nhật Bản, chủ yếu là các giống Hoàng Hậu, Vàng Mít, Xanh Ngọc, Xanh Cốm. Chủ nhân vườn lan cho biết: “Đây là những loại có thể ưa tất cả các môi trường ánh sáng, ánh sáng nhiều thì nhiều hoa và ngược lại, đặc biệt là ra hoa tốt trong nhà kính”.
Ông Lê Thanh Hùng cho biết, hoa địa lan Xanh Ngọc là loại được ưa chuộng và có giá bán cao trên thị trường. Ảnh: Văn Long.
Theo ông Lê Thanh Hùng, kỹ thuật trồng địa lan rất đơn giản, tùy thời tiết để tưới nước, nếu nắng thì 3 ngày tưới một lần, trời âm u thì 7 ngày tưới một lần. Còn bón phân thì chủ yếu là phân tổng hợp NPK, môt tháng bón một lần. Loại địa lan này trồng bằng giá thể cây Cù Lần (nhiều nơi gọi là cây dớn), là nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ nên chi phí thấp.
Việc thay đổi giống là yếu tố quyết định thành công của ông Hùng, hiện nay vườn của ông có khoảng 7.000 chậu hoa địa lan trưởng thành, 8.000 chậu hoa địa lan nhỏ bán giống, ước tính giá trị khoảng 4 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Hùng phấn khởi cho hay, tết năm nay, ông có 7.000 chậu địa lan cho ra hoa bán tết, ước tính ông Hùng thu lãi khoảng 600 triệu đồng trong vụ địa lan tết năm nay. Vườn địa lan của ông Lê Thanh Hùng cho hoa từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Ngày thường ông Hùng cắt bán 100.000 đồng/cành, nếu bán tết có giá 500 ngàn đồng/đơn vị (mỗi đơn vị là 1 cành hoa có cả gốc và củ).
Nhờ chuyển đổi sang các giống lan phù hợp với Đà Lạt, ông Lê Thanh Hùng đã thành công. Ảnh: Văn Long.
Thị trường tiêu thụ hoa địa lan chủ yếu của gia đình ông Hùng là Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt. Tại Festival hoa Đà Lạt năm 2015, ông Lê Thanh Hùng được vinh danh là người làm hoa lan giỏi của thành phố. Hiện nay gia đình ông dẫn đầu xã Xuân Trường về diện tích trồng địa lan cũng như số lượng hoa xuất ra hàng năm.
Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Xuân Sơn, ông Hùng cũng đang tư vấn, giúp đỡ một số hộ dân trong thôn bắt đầu trồng địa lan. Sắp tới ông Lê Thanh Hùng còn mở rộng gấp đôi diện tích trồng lan của gia đình, tức khoảng 9.500m2.
Tác giả bài viết: Văn Long
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã