Thương binh Tòng Văn Khang- Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng |
Cuộc đời của ông đã trải qua những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Ông đã để lại một phần cơ thể trên chiến trường. Về với thời bình, ông tiếp tục là người lính dũng cảm chiến thắng đói nghèo.
Khai hoang lập nghiệp
Tìm đến nhà thương binh Tòng Văn Khang không khó. “Anh cứ đi đến chân đèo phía trước, rồi gửi xe máy ở nhà dân đi bộ khoảng nửa tiếng là đến lán của ông ấy”, một bà cụ ở trong bản chỉ đường.
Men theo con đường mòn vòng qua sườn núi, đi bộ hơn 5 cây số, tôi mới đến nơi ông Khang đặt “đại bản doanh” để phát kinh tế trang trại. Quần vén ngang gối, chỉ còn một tay, nhưng ông vẫn thoăn thoắt chăm sóc đàn bò, rồi lùa đàn dê lên núi.
Năm nay đã bước sang tuổi 79, nhưng ông không chịu nghỉ ngơi. Hỏi về chuyện làm giàu, ông khiêm tốn bảo: “Không muốn sống trong cảnh đói nghèo nên tôi quyết vươn lên. Tôi đã làm được gì nhiều đâu”.
Năm 1962, ông xung phong ra chiến trường để lại quê nhà người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ. Ông tham gia chiến đấu ở nước bạn Lào. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương phải cắt bỏ một tay.
Năm 1974, ông về quê nhà đoàn tụ với gia đình cũng là lúc người thương binh ấy bắt đầu một cuộc chiến mới. Đó là cuộc chiến với đói nghèo. Nhìn ông cụt mất một tay, nhiều người trong bản không khỏi ái ngại. Có người bảo, người lành lặn làm ăn còn khó, nói gì đến người như ông.
Thời điểm đó, nhà ông có đến 17 miệng ăn. Đất canh tác thì ít. Tất cả những điều đó làm kinh tế gia đình ông cứ lay lắt mãi. Có lúc trong nhà không còn hạt gạo, vợ chồng ông phải vào rừng lấy rau dại về ăn cho qua bữa.
“Gia cảnh nghèo khó, đồng lương thì eo hẹp, tôi lo lắm. Những lần nhìn các con ăn trừ rau dại kiếm trong rừng mà tôi thấy đắng trong cổ họng. Bao đêm tôi thao thức, nhớ lời Bác Hồ dạy. “Thương binh tàn nhưng không phế”. Tôi lại tiếp tục đứng lên, quyết chí vượt qua cảnh nghèo đói”, ông Khang tâm sự.
Khai hoang lấy đất canh tác trồng ngô, lúa để có lương thực là bước đi chiến lược đầu tiền của ông để chiến thắng giặc đói. Chỉ với một tay, ông cần mẫn phạt cỏ dại, cải tạo những quả đồi khô cằn thành đất canh tác trước sự khâm phục của bà con trong bản.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, ông tâm sự: “Tuy mất một tay, nhưng tôi vẫn bắt con trâu phải nghe theo mình, đường cày vẫn thẳng. Hai vợ chồng tôi làm hăng lắm, nhiều lúc quên cả ăn, đến khi nghỉ tay thì trời đã tối mịt”.
Ngồi cạnh bên, vợ ông góp lời: “Chồng tôi chỉ còn một bàn tay, nhưng lại giàu nghị lực. Ông ấy làm việc còn khỏe hơn cả người bình thường”.
Hàng năm trời đánh vật với đất đồi, vợ chồng ông đã biến hơn 4 ha đất hoang thành những nương ngô, ruộng lúa trĩu hạt. Tính ra, ông thu về hơn 10 tấn thóc, ngô mỗi năm.
Khi bụng đã no, thóc chất đầy nhà, ông tính chuyện làm giàu. Ông phát triển đàn bò, tậu thêm dê về nuôi. Tính đến nay, trong nhà ông có vài chục con bò, dê.
Đất chẳng phụ công người, từ chỗ thiếu ăn, gia đình ông đã có của ăn, của để. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 70 triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại.
Mở hướng thoát nghèo
Nhiều năm về trước, xã Tà Hừa nghèo xơ xác. Người dân đua nhau vào rừng kiếm ăn, đốt nương làm rẫy. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vậy nhưng nóc nhà sàn trong các bản.
Bây giờ, xã Tà Hừa đang đổi mới từng ngày. Nghèo đói dần lùi xa, những ngôi nhà sàn kiên cố đang mọc lên thay cho nhưng căn nhà dựng tạm bằng tre nứa. Hỏi người dân trong xã mới biết, sự thay đổi đó, có sự đóng góp không nhỏ của thương binh Tòng Văn Khang.
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, về quê hương, ông được bà con tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã. Đó là thời điểm năm 1974. “Ngày ấy, xã còn nghèo lắm, cảnh thiếu ăn rất phổ biến. Đường đi lại chưa có. Xã cách trung tâm huyện hơn 40 cây số. Mỗi lần lên huyện họp tôi phải đi bộ cả ngày”, ông Khang nhớ lại.
Nhìn bà con trong xã vật lộn với cái đói, cái nghèo trong cuộc mưu sinh, người thương binh giàu nghị lức ấy không chỉ lo cho việc phát triển kinh tế gia đình mà còn đau đáu nỗi niềm giúp dân bớt khổ.
Bàn bạc với cán bộ xã tìm hướng thoát nghèo, ông vận động bà con khai hoang vùng đất đồi ven suối để trồng lúa nước, trồng ngô lấy cái ăn. Rồi phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. “Mới đầu cũng không dễ đâu. Bà con vốn quen với cách làm cũ lạc hậu, đốt nương làm rẫy. Tôi phải tự mình làm trước để bà con trong bản làm theo”.
Ông Khang là người đầu tiên ở xã Tà Hừa phát triển mô hình kinh tế trang trại. Tận mắt nhìn thấy ông chỉ còn một tay, nhưng vẫn làm ra nhiều thóc, ngô. Đàn bò, dê của ông cứ tăng lên. Gia đình ông ngày càng khá giả. Bà con trong bản ưng cái bụng nên học theo ông phát triển chăn nuôi.
“Bây giờ, ở trong xã, có nhà nuôi tới 40 con bò. Nhờ chăn nuôi đã góp phần giúp cuộc sống của bà con không còn nghèo khổ như trước. Nhiều gia đình đã có của ăn, của để”, ông Khang cho biết.
Với những thành tích và nghị lực vượt khó, ông được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh huyện.
Nguồn: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã