Người chúng tôi nhắc đến là nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 Nguyễn Công Bắc, ở tổ 4, phường Chiềng Sinh (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La). Mọi người thường gọi anh bằng cái tên rất thân mật: Anh Bắc “cụt”. “Nếu không gặp tai nạn bất ngờ, không mất một chân, có lẽ tôi không gắn bó, đam mê với nghề nuôi lợn như hiện nay. Tất nhiên cũng khó có được cơ ngơi như bây giờ” – anh Bắc mở đầu câu chuyện.
Yêu lợn như bản thân mình
Dù chỉ còn 1 chân nhưng ý chí làm giàu của anh Bắc không hề suy giảm. Ảnh: V.C
Không bằng lòng với kết quả hiện tại, anh Bắc tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trại chăn nuôi nữa trên diện tích 42.000m2 với quy mô 12.000 lợn thịt/lứa, 750 lợn nái, giống thuần chủng Yorkshire, Landrace nhập từ Pháp về. Hiện khu trang trại này đang chuẩn bị hoàn công việc xây dựng. Khi trang trại này đi vào hoạt động, anh Bắc sẽ trở thành vua lợn vùng Tây Bắc, chuyên cung cấp lợn giống, lợn thịt chất lượng cao cho cả vùng. |
Đang chăm chú vào bản kế hoạch xây dựng thêm trang trại chăn nuôi lợn ở bản Tiến Sơn, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), thấy khách đến, anh Bắc vội dẹp công việc sang một bên, rót nước mời tôi rồi quay sang ăn vội bát mì tôm đã úp sẵn đang đặt trên bàn uống nước. Năm 2000, anh Bắc rời quê hương ở Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) lên Sơn La lập nghiệp với nghề buôn đường dài. Trong một lần đi nhờ xe ô tô, anh bị tai nạn và cụt mất một chân. “Lúc đó, suy sụp lắm, nghèo khổ tưởng không thể ngóc đầu lên nổi. Mỗi khi nghĩ tới vợ dại, con thơ là nước mắt lại trào ra. Rồi mình nghĩ, là trụ cột gia đình, mình không thể gục ngã được…”.
Sau nhiều đêm trăn trở, tìm nghề phù hợp với hoàn cảnh của mình, anh Bắc đã lựa chọn nuôi lợn nái, lợn thịt. Ban đầu do thiếu vốn, anh chỉ dám mua 10 con lợn nái về nuôi. Khi lợn nái sinh sản, anh để con giống lại nuôi và thường duy trì khoảng 100 con lợn thịt.
“Đã chọn là nghề thì phải chăm chút chúng còn hơn cả bản thân mình” – anh Bắc thổ lộ. Hàng ngày, vợ anh gánh nước vào chuồng còn anh tự tay tắm táp, vuốt ve đàn lợn. “Lợn nó cũng có tình cảm đấy, nếu mình thường xuyên vuốt ve, chiều chuộng chúng thì chúng cũng quý mình và nhanh lớn hơn” – anh Bắc cười hóm hỉnh.
Được vợ và người thân cổ vũ, anh Bắc quyết liều một phen làm ăn cho ra tấm ra món. Năm 2007, anh mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT tỉnh Sơn La, cộng thêm khoản tiền tích cóp, vay mượn anh đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và mua 30 con lợn nái, 200 con lợn thịt giống siêu nạc về nuôi.
Nói về đặc tính của giống lợn siêu nạc, anh Bắc cho biết: “Giống lợn này rất kén ăn, khó tính, chỉ ưa môi trường sạch sẽ. Vì vậy, để lợn sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh xảy ra, ngoài việc thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường thông qua hệ thống hầm biogas, thì phải tiêm vaccine cho đàn lợn theo đúng quy trình khoa học”.
Ngồi một chỗ… nuôi lợn
Không còn sức khỏe như những người bình thường, anh Bắc buộc phải tính toán thuê nhân công, lắp camera để đảm bảo luôn chăm sóc tốt đàn lợn. “Cũng may nhờ làm ăn được nên số lợn thịt, lợn nái của tôi tăng lên rất nhanh. Hệ thống chuồng trại vì thế cũng phải mở rộng, nhân công ngày một nhiều hơn” -anh Bắc nói.
Mặc dù đã có công nhân đảm đương mọi việc và có thể theo dõi đàn lợn qua hệ thống camera, nhưng mỗi ngày anh Bắc vẫn trực tiếp thăm, kiểm tra đàn lợn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. “Nếu không làm vậy, tôi có cảm giác thiếu vắng cái gì đó. Có lẽ, niềm đam mê chăn nuôi lợn đã ngấm quá sâu vào trong tôi. Tôi có thể đứng cả tiếng đồng hồ để quan sát một con lợn đang ăn hay đùa nghịch.” – anh Bắc tâm sự.
Để được “mục sở thị” khu chuồng trại chăn nuôi lợn của anh Bắc, tôi phải sát trùng quần áo, bỏ giày, đi ủng. Chỉ công nhân ở đây mới được phép thường xuyên tiếp xúc với đàn lợn, còn không thì tất cả chỉ quan sát qua các màn hình camera, tránh tiếp xúc với vật nuôi để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài.
Chuồng nuôi lợn thịt của anh Bắc quả thật rất hiện đại, quạt gió thổi vù vù và được chia thành rất nhiều khu, nhiều ngăn: Khu lợn nái, khu lợn thịt, lợn giống… Đàn lợn giống tới cả ngàn con, con nào, con nấy sạch sẽ, béo múp đầu.
Nhận thấy chăn nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín cho lợi nhuận cao hơn, năm 2011, anh Bắc mua 17.000m2 đất xây dựng thêm trại chăn nuôi lợn với quy mô 600 lợn nái, 6.000 lợn thịt/năm. Mỗi năm, anh xuất ra thị trường khoảng 700 tấn lợn thịt và từ 8.000 – 10.000 lợn giống, thu từ 30 – 40 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi từ 2,5 – 3 tỷ đồng.
Vì chăn nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín nên chất lượng lợn thịt cũng như lợn giống của anh Bắc luôn đảm bảo, được khách hàng tin dùng. “Trước năm 2017, cả lợn thịt, lợn giống của tôi đều không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều khách hàng muốn lấy hàng phải đặt trước. Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 6 vừa qua, giá lợn xuống dốc trầm trọng khiến người chăn nuôi điêu đứng nên lượng lợn giống nhà tôi ứ lại, phải để nuôi thịt, bán giá rẻ hơn. Tuy vậy, tôi quyết không bỏ nghề. Thật may là khoảng hơn 1 tuần nay, giá lợn tăng trở lại, tôi cũng xuất bán được một lượng lớn lợn thịt nên cũng vớt vát được phần nào chi phí đầu tư”- anh Bắc nói.
Theo Văn Chiến/Dân Việt.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã