Làm đường giao thông ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn.
Hiệu quả từ tuyên truyền
Ngay khi bắt đầu triển khai chương trình cũng như quá trình thực hiện hàng năm, UBND huyện Nam Đàn và các xã đã tổ chức quán triệt đầy đủ các nội dung liên quan đến XDNTM đến cán bộ các cấp, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo Đài truyền thanh - truyền hình huyện, xã phát trên hệ thống truyền thanh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XDNTM. Nhờ thực hiện tuyên truyền đa dạng, phong phú, đã tạo được không khí sôi nổi, nhân dân đồng sức, đồng lòng cùng chung sức XDNTM.
Kết quả, qua 6 năm thực hiện chương trình, Nam Đàn đã huy động được 1.318 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 90,7 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 116 tỷ đồng; ngân sách huyện lồng ghép đầu tư 121,1 tỷ đồng; ngân sách cấp xã 171,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 285,5 tỷ đồng; doanh nghiệp hỗ trợ 85 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn 448,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn hiến 196.458m2 đất, dỡ bỏ 25.966m2 tường rào, đóng góp 59.107 ngày công để XDNTM. Riêng năm 2016, Nam Đàn huy động được 234 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 49,5 tỷ đồng, hiến 27.967m2 đất, tháo dỡ 12.931m2 tường rào, đóng góp 13.197 ngày công.
Nhận thức được kinh tế và tổ chức sản xuất là một trong những nội dung chủ yếu, xuyên suốt trong quá trình XDNTM và là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân nông thôn, UBND, Ban chỉ đạo XDNTM huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều xã đã xây dựng được mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, như: Trồng hoa ly ở Nam Anh, Nam Xuân; trồng mướp đắng, hẹ ở Nam Xuân; dưa hấu ở Nam Tân; bí xanh - dưa hấu ở Vân Diên; ngô làm thức ăn cho bò sữa ở Nam Lộc, Khánh Sơn, Nam Tân; hình thành tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại Xuân Hòa; mô hình sản xuất rau mầm tại HTX Nam Cát; tổ hợp tác sản xuất rau gia vị (riềng) tại Nam Hưng...
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát huy tiềm năng năng suất của giống cây trồng, vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm công lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, như mô hình IPM (Hồng Long), ICM (Hùng Tiến); liên kết với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An xây dựng và mở rộng 2 cánh đồng mẫu lúa, lạc tại Kim Liên và Nam Cường; liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương sản xuất lúa giống (Nam Giang, Nam Xuân, Xuân Lâm...).
Hình thức tổ chức sản xuất được củng cố và phát triển, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu cũ được giải thể và thành lập mới các HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012. Các HTX mới thành lập bước đầu hoạt động có hiệu quả các khâu dịch vụ như: Phân bón, giống, thủy nông, làm đất...
Ngoài ra, trên địa bàn có một số quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả như: Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Thanh, Nam Cát, Nam Anh, Nam Trung..., góp phần giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 15,8% (năm 2010) xuống còn dưới 5% (năm 2016); thu nhập bình quân tăng từ 17,5 triệu đồng/người (năm 2010) lên 32 triệu đồng/người (năm 2016).
Đến nay, Nam Đàn có 18/23 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Nam Nghĩa, Nam Thái, Nam Hưng, Nam Thanh, Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Giang, Kim Liên, Nam Cát, Hùng Tiến, Hồng Long, Nam Thượng, Nam Lộc, Nam Trung, Nam Cường, Nam Kim; 5 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, gồm: Nam Tân, Nam Lĩnh, Khánh Sơn, Nam Phúc, Xuân Lâm.
Hướng đến huyện du lịch
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng trong quá trình XDNTM, Nam Đàn cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra nhưng chưa thật sự vững chắc; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa ổn định, đặc biệt là phát triển dịch vụ du lịch; sản xuất công nghiệp nhìn chung còn gặp khó khăn; chưa thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư trên địa bàn.
XDNTM là chương trình lớn nên bước đầu thực hiện có mặt còn lúng túng; một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện từ Trung ương đến địa phương chưa thực sự thống nhất, phải điều chỉnh nhiều lần nên ảnh hưởng đến nhận thức của nhân dân. Công tác chỉ đạo XDNTM ở một số xã giai đoạn đầu chưa được quan tâm đúng mức, vẫn có tư tưởng ngại khó, thiếu tư duy sáng tạo, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm, có tiêu chí chưa bền vững.
Việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất thực hiện khá nhưng nhân ra diện rộng chưa đạt yêu cầu, nhiều mô hình nhỏ lẻ, tính cạnh tranh chưa cao, không có tính bền vững. Mô hình sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết còn ít, chủ yếu trong chăn nuôi, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối thị trường tiêu thụ.
Trước những khó khăn, vướng mắc ấy, huyện đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong chuyến thăm và làm việc với huyện hồi đầu năm 2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: XDNTM của huyện Nam Đàn phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, luôn xem Nam Đàn là địa danh, là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt của quốc gia. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham mưu, hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Nghệ An xây dựng Dự án đầu tư nâng cấp Khu di tích Kim Liên; đồng thời nghiên cứu xây dựng Quy hoạch khu du lịch quốc gia Nam Đàn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giới thiệu các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lập dự án nâng cấp khu di tích Kim Liên hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Kim Liên thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020 và hỗ trợ xây dựng một số dự án, công trình khác.
Trong năm 2017, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và Trung tâm văn hóa thông tin tại huyện Nam Đàn. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đầu tư xây dựng xã Nam Tân thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có mô hình liên doanh, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sabeco đồng hành hỗ trợ 25 tỷ đồng cho 5 xã của huyện Nam Đàn XDNTM. Hy vọng trong thời gian tới, từ những tiền đề sẵn có, Nam Đàn sẽ khắc phục mọi yếu kém, khó khăn, trở thành huyện NTM vào cuối năm 2017.
Theo ĐìnhLam/Kinh Tế Nông Thôn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã