Cơ duyên đến với nghề
Phải vất vả lắm, tôi mới tìm được trang trại nuôi vịt trời của gia đình anh Thành bởi trang trại nằm ở vùng chuyển đổi của xã, xa khu dân cư. Hỏi chuyện cơ duyên đến với nghề nuôi vịt trời, anh Thành hồ hởi nhớ lại: Xưa kia, đồng đất rộng lớn xã Giao Châu quanh năm gieo trồng hai vụ lúa xanh tốt, lại gần biển với nhiều đầm bãi là điều kiện thuận lợi cho các loài chim, thủy cầm kéo về sinh sống. Nhiều lúc anh phát hiện những ổ trứng vịt trời được bện tròn bằng cỏ khô, có khi còn trông thấy cả vịt trời con chạy lon ton lẫn vào rơm rạ. Lúc đó bắt được con to, ăn thấy ngon nhưng cũng chưa nghĩ đến việc nuôi làm kinh tế như vịt nhà bởi nghĩ chẳng ai nuôi nổi vịt trời. Rồi khoảng 10 năm trước, khi đi làm đồng anh chị nhặt được một ổ trứng vịt trời 7 quả nhỏ xinh màu nâu nhạt, anh chị mang về ấp thử như vịt nhà. Ổ trứng cũng nở, không đủ 7 con nhưng lại có cả con đực và cái nên anh chị quyết tâm nuôi thử xem sao. Ban đầu anh tìm cách làm chuồng, quây kín cho vịt khỏi bay đi và xây bể chăn thả vịt theo cách cố gắng cho vịt được bơi lội, tìm kiếm thức ăn như trong môi trường tự nhiên. Bà con chòm xóm biết chuyện, chẳng mấy ai là không lắc đầu cười anh bởi từ trước đến nay, chưa thấy ai nuôi vịt trời. Mặc kệ, anh vẫn quyết tâm chăm chút cho đàn vịt và tìm hiểu thêm thông tin về cách nuôi vịt trời qua các sách, báo, tạp chí. Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, khoảng 1 năm sau, khi đàn vịt bắt đầu sinh sản, lứa vịt thứ hai ra đời, anh mới chắc chắn rằng việc nuôi vịt trời của mình đã có cơ hội phát triển. Tuy nhiên anh vẫn băn khoăn, làm sao để vịt không bay đi trong khi diện tích chuồng trại nhỏ, làm sao để số lượng vịt mỗi ngày một tăng. Vậy là anh đánh bạo thử cách thả một vài con vịt ra môi trường tự nhiên xem kết quả thế nào. Được thả lỏng, vịt nhanh chân sục sạo góc ao này, ruộng kia, rồi trốn đâu mất dạng. Ngày nào anh cũng ngóng, mong vịt tìm về chuồng. Tới khi gần như mất hết hy vọng thì anh thấy những chú vịt thả ra hôm trước lần lượt tìm về chuồng ăn quen thức ăn văng vãi. Lúc này anh mừng khôn kể và vững tin chắc chắn sẽ thuần hóa, quản lý được đàn vịt trời mà không cần nuôi nhốt. Anh vận dụng phương thức huấn luyện đàn vịt trời phụ thuộc vào nguồn thức ăn mà anh cung cấp, giống như người dân vùng núi quản lý trâu, bò, dê ngựa bằng cách bổ sung thêm muối vào thức ăn và cho ăn vào một giờ nhất định. Ý tưởng gắn bó với nghề nuôi vịt trời của anh lúc này mới chắc chắn được khẳng định.
Quyết chí làm giàu
Quyết định gắn bó với nghề nuôi vịt trời, anh Thành bỏ hẳn nghề xây dựng trước đó để chuyên tâm đầu tư học hỏi kinh nghiệm chăm chút đàn vịt. Trên diện tích đất của gia đình, anh đào ao, đắp bờ thoải, dựng chuồng trại, trồng cây che mát cho vịt nghỉ chân. Anh tìm đến các trang trại chăn nuôi vịt lớn ở trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi vịt cơ bản rồi sáng tạo cải tiến cho phù hợp với đặc tính của con vịt trời đã được thuần dưỡng. Anh đã học được cách kết hợp bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và tiêm phòng bệnh cho vịt con mới nở để đàn vịt phát triển tốt, kháng được một số bệnh cơ bản do cơ chế nuôi tập trung gây nên. Để bảo vệ đàn vịt non, anh thực hiện công thức chỉ cho vịt con xuống nước sau 20 ngày tuổi khi vịt mới nở được chăm sóc kỹ đã có sức đề kháng cao.
Đồng thời khoanh vùng cho vịt lặn ngụp ở mương máng tìm thức ăn tự nhiên. Và đến cữ tháng 5, tháng 10, sau khi gặt lúa xong, anh thả toàn bộ đàn vịt ra đồng, hạn chế cho ăn để vịt tự kiếm thức ăn, phát triển tự nhiên, khỏe mạnh, tăng vận động để thịt thêm săn chắc. Sau khoảng 4-5 tháng nuôi, vịt trời sẽ đạt trọng lượng 1-1,2kg là có thể xuất bán. Con nào có đặc tính tốt cho việc sinh sản như con mái có đầu thanh, nhỏ, mắt sáng, bầu bụng nở rộng; con đực đầu to, cổ to, dài, lông mượt, có màu đặc trưng của giống gốc anh sẽ giữ lại để tiếp tục cho sinh sản nhân đàn. Với cách nuôi tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên kết hợp với nguồn giống gốc tự nhiên nên đàn vịt của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon không khác gì so với thịt vịt trời bắt ngoài tự nhiên. Chủ động được toàn bộ quy trình nhân giống, nuôi thương phẩm nên đàn vịt của gia đình anh nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Từ 7 quả trứng ban đầu, đến nay, trang trại của anh có khoảng 100 cặp vịt bố mẹ và trên 1.000 con vịt thương phẩm cùng hàng trăm con vịt giống. Anh cũng đầu tư lò ấp trứng hiện đại để đảm bảo lượng giống cho nuôi thương phẩm và cung ứng con giống cho thị trường. Ban đầu vịt trời của nhà anh chỉ phục vụ bà con, các quán ăn trong vùng. “Hữu xạ tự nhiên hương” dần dà tiếng đồn về trang trại vịt trời của anh Thành bay xa, thương lái các nơi lặn lội tìm tận nhà anh để học cách chăn nuôi và mua vịt mang đi cung ứng cho thị trường khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Chia sẻ bí quyết để phát triển nguồn giống ban đầu, anh cho biết: Điều quan trọng nhất trong việc nhân giống, duy trì nguồn giống gốc là phải nhớ rõ từng con vịt bố, mẹ ở dòng nào, đàn nào để khi phối giống tránh phối cận huyết, gây suy thoái nguồn gen sẽ khiến vịt yếu và mất đi những đặc tính ưu việt vốn có của nó. Đây là bí quyết khiến cho trang trại nhà anh luôn đông khách mặc dù vào thời điểm này trên thị trường nguồn cung vịt trời thương phẩm không còn khan hiếm như trước. Nhờ vịt trời, mỗi năm, gia đình anh Thành thu vài trăm triệu đồng. Con số này vẫn tăng dần đều tương ứng với sự phát triển của đàn vịt giống và vịt thương phẩm xuất bán qua mỗi năm.
Tạm tổng kết về nghề của mình, theo anh Thành là “nghề chọn người” khi ổ trứng vịt trời đến với anh chị. Còn tôi nghĩ nếu anh không cần cù chịu khó, không mạnh dạn dám nghĩ, dám làm và quyết tâm theo đuổi thì sẽ không thể nắm bắt trọn vẹn cơ hội từ ổ trứng nhỏ đó. Tâm huyết và cách làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi kiến thức giúp cho sự mạnh dạn “đi ngược quy luật” nuôi vịt trời của anh đã thành công, khai thác được lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Anh Cao Văn Thành thực sự là điển hình của phong trào nông dân làm giàu ngay trên đồng ruộng quê hương./.
Nguyễn Hương/baonamdinhcom.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã