Thoát nghèo
Nhận thấy nuôi rùa, ba ba gai cho lãi lớn, người dân Thiệu Hợp đã và đang tích cực mở rộng mô hình. Hiện, giá trị thu nhập của nghề nuôi con đặc sản trên địa bàn xã đạt trên 20 tỷ đồng, chiếm 42% tỷ trọng của ngành nông nghiệp, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã lên mức 14,5%/năm, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm.
Nói về quá trình phát triển của nghề, ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cho biết: “Nghề nuôi con đặc sản đã hình thành ở xã gần chục năm nay. Để đảm bảo cho bà con sản xuất thuận lợi, xã đã khảo sát mô hình nuôi con đặc sản ở Hà Tĩnh; tổ chức cho người dân đi tham quan tập huấn ở Ninh Bình. Nhờ đó, nghề phát triển tương đối thuận lợi, trở thành mô hình kinh tế mới, giúp người dân xóa nghèo, làm giàu”.
Một điều dễ nhận thấy khi đến Thiệu Hợp là diện mạo nông thôn nơi này đang đổi thay từng ngày, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đóng góp cho sự đổi thay này có nghề nuôi con đặc sản. Ông Đỗ Hữu Nhung ở thôn Nam Bằng 1 phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình làm trang trại tổng hợp nhưng không hiệu quả do dịch bệnh và giá cả thất thường. Nhận thấy nuôi rùa, ba ba thu lãi lớn nên tôi đã chuyển sang nuôi loại đặc sản này. Hiện, gia đìnhi có 26 cá thể rùa bố mẹ, 5 - 7 tạ ba ba các loại, trừ chi phí, thu lãi hàng tỷ đồng/năm”.
Theo bà con trong xã, nghề nuôi con đặc sản không quá khó, chi phí đầu tư vừa phải nhưng thu lãi cao. Chỉ cần xây dựng ao nuôi rùa hợp lý, trước mỗi vụ vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, thay lớp cát ở đáy ao, có bãi cát cho chúng đẻ trứng và tránh rét. Khi rùa được 5 năm tuổi chúng bắt đầu đẻ trứng, số lượng trứng cũng phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, thức ăn nhưng trung bình mỗi đợt rùa có thể đẻ được 4 - 8 trứng, mỗi năm đẻ 4 lần, sau đó lấy trứng ấp nhân tạo, khoảng 70 ngày thì nở. Thức ăn của chúng cũng dễ kiếm, chủ yếu là giun, cá, tép các loại, xác động vật... vì thế nên chi phí thức ăn rất thấp.
Ba ba gai thương phẩm trọng lượng 6 - 7 kg/con có giá 700.000 - 800.000 đồng/kg. Ba ba giống mới nở 200.000 đồng/con; rùa con mới nở 1,6 - 1,8 triệu đồng/con, rùa thương phẩm (rùa thịt) 12 triệu đồng/kg. Với lợi nhuận cao, lại dễ áp dụng nên không khó hiểu khi nghề nuôi con đặc sản đang được nhiều người dân xã Thiệu Hợp lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Nhân rộng mô hình
Nhận thấy lợi ích từ nghề nuôi con đặc sản, chính quyền xã Thiệu Hợp đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người dân nhân rộng mô hình.
Ông Lan cho biết: “Chúng tôi đang khuyến khích nông dân mở rộng mô hình chăn nuôi con đặc sản trên cơ sở tuân thủ quy hoạch sản xuất. Dự kiến đầu năm tới, xã sẽ thành lập hợp tác xã nuôi con đặc sản nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho nghề phát triển; phối hợp với Hội Nông dân và các tổ chức tín dụng cho các hộ nuôi mới vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng thời phối hợp với kiểm lâm cấp phép cho các hộ tham gia mô hình này”.
Thiệu Hợp chỉ có 425ha đất nông nghiệp phân bổ cho gần 2.000 hộ. Diện tích đất ít nên việc phát triển nghề mới sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện, mới có 10% số hộ trong xã theo nghề này, chính vì vậy việc mở rộng nghề nuôi con đặc sản có thể là hướng đi mới, tuy nhiên bà con cũng cần phát triển theo định hướng, tránh theo phong trào để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Như Quỳnh – Minh Thượng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã