Để vào tham quan khu nuôi lợn thịt thương phẩm của gia đình anh Hàng (xóm Trung Quân, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi phải rửa tay, chân bằng một loại dung dịch khử trùng đặc biệt. Anh Hàng bảo: Do chăn nuôi tập trung nếu sơ xẩy một chút cũng sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn. Vì vậy, ở bất kỳ giai đoạn nào, việc phòng bệnh cho đàn lợn đều phải tiến hành cẩn thận.
Không chỉ chú trọng đến công tác phòng dịch, anh Hàng còn chủ động xây dựng hệ thống chuồng trại khoa học, thoáng mát, thuận lợi cho vệ sinh, chăm sóc đàn lợn. Hệ thống chuồng được thiết kế thông minh, thuận tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh chuồng hàng ngày.Mọi khâu trong quá trình chăn nuôi đều khép kín. Chuồng được xây cao, thoáng mát, máng ăn bán tự động, có thể kiểm soát con nào ăn ít, từ đó sẽ phân loại và kiểm tra xem lợn đang có triệu chứng gì để kịp thời điều kiểm soát. Chuồng trại còn có những tấm làm mát, hệ thống quạt thông gió và điều hòa bằng hơi nước. Anh Hàng cũng đã đầu tư hầm biogas ngầm phía dưới nền chuồng trại. 100% chất thải đều được xả xuống hầm biogas nên khu chuồng trại hạn chế mùi hôi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Lợn được phân thành các khu riêng biệt theo độ tuổi và mức độ tăng trưởng. Với 300 con lợn mỗi lứa, anh thực hiện chăn nuôi gối vụ nên hầu như tháng nào gia đình cũng có lợn bán.
Ngược dòng thời gian, thời điểm anh Hàng bắt đầu chăn nuôi lợn là vào năm 2001. Lúc đó mỗi hộ chỉ nuôi 2 - 3 con để tăng gia thì việc nuôi đến 50 con lợn được coi như một sự “ngông”. Anh kể: Ý tưởng chăn nuôi bắt đầu sau khi tôi tham dự một hội thảo giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm bằng cám công nghiệp. Thấy tôi mua hàng chục con lợn giống, nhiều người can ngăn vì cho rằng nuôi nhiều thế biết bán cho ai và lấy thức ăn đâu để chăn nuôi? Nhưng thực ra, trước khi chăn nuôi tôi đã tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, liên hệ mua thức ăn của chính công ty tổ chức hội thảo và thông qua họ tìm đến các thương lái lớn nên việc chăn nuôi không gặp nhiều khó khăn. Dần dần, thấy việc chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình tôi hiệu quả, nhiều hộ trong xã cũng làm theo.
Trong suốt quá trình chăn nuôi lợn, anh Hàng đều tính toán kỹ từng yếu tố giống, thức ăn, vắc xin... để có được hướng đi đúng và hiệu quả cao nhất. Nghe anh nói chuyện về việc lựa chọn giống ở những trại có khoảng cách gần sẽ giảm bớt sự sốc môi trường cho vật nuôi, chỉ chăn nuôi lợn thịt sẽ giảm bớt nhiều rủi ro về bệnh tật, thị trường so với chăn nuôi lợn nái, sự thay đổi của ngành chăn nuôi từ năm 2000 đến nay... nhiều người sẽ lầm tưởng đây chính là một “chuyên gia” chăn nuôi chứ không phải lão nông thứ thiệt. Anh Hàng chia sẻ: Nhiều người thường mang tâm lý chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Nghĩa là lứa nào “may” thì gặp trúng đợt giá lợn tăng cao, chăn nuôi có lãi hoặc ngược lại xui xẻo thì bị lỗ. Nhưng tôi không cho rằng như vậy, người nông dân luôn cần tính toán thời điểm nhập giống, xuất chuồng, điều kiện thị trường sao cho phù hợp nhất. Như thời điểm giá lợn giảm rất sâu năm 2017, gia đình tôi không bị thua lỗ nhờ việc tính toán kỹ các yếu tố này.
Trong thời kỳ giá lợn sụt giảm liên tục vào năm 2017, có thời điểm xuống đến 21.000 đồng/kg lợn hơi, anh Hàng đã nghĩ ra cách xuất chuồng ở thời điểm lợn mới chỉ đạt 50 - 70kg chứ không chờ đến khi đạt trên 100kg như nhiều hộ khác. Theo anh phân tích, ở thời điểm đạt 50kg, mỗi con lợn chỉ ăn hết 4 bao cám, nghĩa là 1,4 - 1,5kg cám/kg lợn hơi. Nhưng nếu nuôi đến thời điểm lợn nặng hơn 100kg con số này sẽ là 2,2kg cám/kg lợn hơi. Thêm nữa, lợn càng to sẽ càng khó bán hơn. Cách làm này cũng được anh Hàng chia sẻ đến nhiều hộ chăn nuôi khác ở địa phương để cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn trong chăn nuôi.
Không chỉ chăn nuôi hiệu quả, với sự nhanh nhạy của mình, anh Hàng còn mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ xay xát, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình anh bình quân cho thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Đánh giá về anh Hàng, anh Nguyễn Văn Cầm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Phong cho biết: Anh Hàng là nông dân tiêu biểu của xã trong việc dám nghĩ, dám làm, tích cực học tập kiến thức, khoa học kỹ thuật để áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Anh đã nhiều lần được khen thưởng về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi của mình; năm 2017, anh được vinh danh là một trong những nông dân tiêu biểu toàn quốc. Bản thân anh và gia đình luôn tích cực giúp đỡ các hội nông dân gặp khó khăn trong chăn nuôi hỗ trợ như giúp đỡ về giống, bán thức ăn chăn nuôi theo hướng đầu tư không tính lãi, tư vấn về kỹ thuật và giới thiệu để các hộ bán sản phẩm chăn nuôi...
Huy Toản
Nguồn: Báo Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã