Học tập đạo đức HCM

Nhà vườn 4.0

Thứ bảy - 11/08/2018 19:22
Sáng, Ðà Lạt còn chút sương vương víu trên cửa kính chiếc xe bán tải. Thạc sĩ Nguyễn Ðức Huy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy canh Việt (phường 9, TP Ðà Lạt) đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình. Sau vài thao tác trên chiếc smartphone gắn trên xe, anh bảo: "Thực ra thì chưa cần xuống để chăm vườn, vì mọi thông số đều ổn".


Sản xuất rau thủy canh tại trang trại Ðức Tiến, phường 8, TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng.

Những "nhà nông nhàn nhã"

Trang trại gần một héc-ta của gia đình anh Huy nằm bên sườn đồi, trên cung đường Mimosa, cửa ngõ vào thành phố hoa Ðà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua đang thời kỳ trưởng thành, trĩu quả. Chúng tôi không nhìn thấy đất, vì toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng màng chất dẻo, mỗi gốc cà chua được trồng trong chậu. Cũng không thấy mương máng, vì nước và chất dinh dưỡng được nhỏ giọt vào từng gốc cà chua bằng những ống chất dẻo rất nhỏ. Lâu lâu, lại thấy những công nhân quét dọn, lau chùi trên những lối đi trong vườn.

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên vì nông trại khá vắng vẻ, anh Huy chỉ vào màn hình điện thoại và những thiết bị cảm biến, truyền tín hiệu trong vườn, cười nói: "Ðây là những công nhân nông nghiệp của mình". Rồi anh tiếp lời: "Hồi mình còn nhỏ, nhà nông Ðà Lạt cũng như xứ khác. Trước khi đi học, các anh chị họ của mình phải gánh nước tưới hết vườn rau. Tiến lên một bước là có máy bơm và dùng xoa để tưới. Còn giờ thì điều khiển tự động, công nghệ, máy móc làm hết rồi, từ chế độ bón phân, tưới nước đến chế độ chăm sóc. "Con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây (máy đưa ra cảnh báo thì mình dùng thuốc sinh học phù hợp) và khâu thu hoạch, lau vườn... Mình nghĩ, ở trong nước, chắc chỉ có Ðà Lạt mới có khung cảnh như thế...".

Năm 2013, Nguyễn Ðức Huy (sinh năm 1984), tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Sau một năm làm việc nhà nước, được tiếp xúc với những "đối tác" có nền nông nghiệp phát triển, anh nhận ra nền nông nghiệp Ðà Lạt đang là cơ hội để những người trẻ dấn thân và anh quyết rẽ sang hướng mới. Con đường khởi nghiệp cũng lắm chông gai, qua bao lần thất bại vì sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên, anh huy động vốn đầu tư đồng bộ các thiết bị sản xuất, nhưng kết quả vẫn chưa theo ý muốn. Sau khi phân tích, nhận diện các "lỗi" trong quy trình sản xuất, Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ "đọc, hiểu" diễn biến sinh thái thực tế trong vườn, sau đó khuyến cáo chủ farm (trang trại đưa ra các "lệnh" xử lý chuẩn xác. Hiện "gia tài" của Huy là "ba năm xây dựng dữ liệu" và dữ liệu liên tục được cập nhật theo thời gian thực. Giai đoạn đầu thì điều khiển từ xa. Giờ thì hệ thống có khả năng tự đọc và tự ra quyết định chính xác. "Hệ thống IoT (in-tơ-nét kết nối vạn vật) chỉ là một phần, điều quan trọng nhất hiện giờ của mình là dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, tình hình sinh trưởng của cây..., phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra quyết định. Ðặc biệt, hệ thống có thể đưa ra dự đoán sự xuất hiện sâu bệnh, từ đó đem đến khả năng phòng bệnh ngay từ đầu", Huy thổ lộ.

Trưa, trên tấm nhựa đỡ các luống cà chua, những giọt nước bắt đầu lăn về phía cuối vườn. Hệ thống đang "hiểu" trạng thái cây trồng và tự vận hành. Nhấc một đường ống nhỏ ra khỏi gốc cà chua, những giọt nước đang nhỏ xuống... Huy chia sẻ: "Không cần có mặt ở vườn, chỉ cần nhìn trên smartphone là biết tình trạng cây trồng. Hệ thống được phân quyền theo cấp, gồm chủ farm, nhà đầu tư, công nhân… mỗi vai trò được quyền điều khiển, xem thông tin gì. Giờ mình trở thành nông dân lười biếng...".

Tình cờ, tại quán cà-phê Green Box, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Ðà Lạt, một không gian cà-phê lãng mạn, được "bao bọc" bởi những vườn rau công nghệ cao, chúng tôi gặp ông Trần Huy Ðường, chủ nhân của quán và trang trại Langbiang Farm rộng gần 30 ha. Ông Ðường từng công tác trong ngành thông tin, sớm tiếp xúc với nền công nghệ tiên tiến. Nhận biết dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông đã nghỉ ngang và về với nghiệp nông phố núi. "Thực ra, trạm quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm... chúng tôi làm hàng chục năm nay rồi, nhưng khoảng 2.0 thôi, bởi phải cần điều khiển tại vườn. Giờ thì khác, chúng tôi đang tiếp cận nông nghiệp 4.0, việc "thăm" vườn không còn lo về khoảng cách địa lý, mọi thông số quan trọng đều hiển thị trên điện thoại và mình chỉ việc bấm "lệnh" theo điều kiện thực tế cây trồng tại vườn", ông Ðường cho biết.

Ông Ðường được xem là một trong những người tiên phong ở Việt Nam canh tác khí canh trên cây rau trên quy mô nông trại. Hiện vườn rau khí canh trồng trong nhà kính của Langbiang Farm có hơn 10 loại rau, hằng tuần đều có sản phẩm thu hoạch cuốn chiếu. Ban đầu ông cũng gặp không ít trở ngại với kiểu canh tác mới này, bởi rau khí canh cần độ chuẩn về cung cấp dinh dưỡng dạng hơi nước, chỉ cần sai lệch thời gian chút ít, lứa rau sẽ hỏng. "Giờ thì không lo nữa, mình có thể hẹn giờ tưới theo đúng tần suất; khi có sự cố, phần mềm được cài trên điện thoại sẽ báo để có phương án xử lý. Cái hay của phần mềm là mỗi lần hoạt động, dữ liệu được ghi lại để phân tích, đưa ra khuyến cáo cho những lần sau", ông Ðường cho biết.

Cũng như nhiều nhà nông khác trên cao nguyên Langbiang, lão nông Vương Ðình Phi đã gắn bó với cây rau, dâu tây hàng chục năm nay, nhưng lần đầu tiên trong nghiệp nông của mình, ông cảm thấy việc chăm sóc vườn, tưới vườn lại nhàn đến thế. Bởi giờ đây, ông có thể đi khắp nơi trong nước, thậm chí sang tận bên kia bán cầu, chỉ cần điện thoại có kết nối in-tơ-nét là có thể nắm bắt các thông số của khu vườn gia đình, như độ ẩm của đất, nhiệt độ trong vườn, độ pH… Từ đó, ông có thể sử dụng điện thoại để bật máy tưới, định lượng thời gian tưới theo sự lựa chọn của mình. "Cùng với hệ thống cảm biến, tôi còn lắp thêm ca-mê-ra để theo dõi, kiểm soát vườn tốt hơn. Thay vì tất bật với tưới nước, bón phân như trước, giờ chỉ cần ngồi cà-phê với bạn bè cũng làm được", ông Phi nói.

Giờ đây, những nhà nông như ông Phi, ông Ðường và hàng chục chủ trang trại, nhà nông khác tại Ðà Lạt đã ứng dụng IoT trong sản xuất, có thể yên tâm ngồi cà-phê giao dịch khách hàng, xuất ngoại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và mở smartphone để nắm thông tin của trang trại, từ đó đưa ra quyết định và truyền thông điệp đến các thiết bị của trang trại ngay trên điện thoại vào bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi đâu có kết nối in-tơ-nét. Nói đơn giản, đó là giải pháp giúp người nông dân, dù ở nơi đâu cũng có thể "thấu hiểu" cây trồng để từ đó, đáp ứng ngay nhu cầu phát sinh. Và họ được ví là những "nhà nông nhàn nhã", "nhà nông lười biếng" là vậy!

"Chạm" công nghệ 4.0

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, trang trại tại Ðà Lạt (Lâm Ðồng) đã tiếp cận, ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất. Chủ yếu ứng dụng tại trang trại trồng rau, hoa, dâu tây và mang lại doanh thu rất cao, từ năm đến tám tỷ đồng/ha/năm.

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, hiện nhiều trang trại tại Lâm Ðồng đã thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và pH; hệ thống ca-mê-ra ghi hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây; hệ thống tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất và lệnh điều khiển… "Ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối in-tơ-nét là công nghệ cốt lõi, cần và đủ. Thực tế tại Lâm Ðồng cho thấy, hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT đã được tiếp cận bước đầu. Ðây là cơ sở quan trọng để chúng ta trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới", Tiến sĩ Phạm S cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Ðồng, toàn tỉnh hiện có tám nông hộ được hỗ trợ kinh phí, thiết lập hệ thống, công nghệ điều khiển tưới tự động thông minh; chưa tính hàng chục doanh nghiệp, trang trại tự đầu tư, áp dụng. Ðịa phương cũng vừa tiếp nhận 50 hệ thống tưới thông minh do một công ty Nhật Bản tài trợ, chuyển giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân hội đủ các điều kiện phù hợp. Kết quả thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ tưới nước chính xác giúp nhà nông tiết kiệm lượng nước từ 30 đến 50% so với canh tác thông thường, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng với tỷ lệ tương ứng trong việc vận hành hệ thống tưới, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công, giảm chi phí phân bón. Và quan trọng hơn, với thuật toán điều khiển tưới thông minh, bộ rễ của cây trồng luôn được giữ ở điều kiện tối ưu nhất, giúp tăng năng suất rõ rệt. "Khoa học - công nghệ đã giúp nhà nông xứ rau, hoa Ðà Lạt và vùng phụ cận làm nông nhàn nhã hơn xứ khác; giảm chi phí lao động trực tiếp rất nhiều", Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Ðồng Nguyễn Minh Trường thổ lộ.

Giờ đây, việc quản trị vườn, trang trại đều có thể "gói gọn" trên thiết bị di động của người nông dân, chủ farm. Theo Giám đốc HTX Thủy canh Việt Nguyễn Ðức Huy, khâu tưới, châm dinh dưỡng… không còn phụ thuộc vào con người nữa, máy lập trình tưới chính xác, đủ và đúng. Sau khi áp dụng, năng suất mỗi năm tăng khoảng 10%. Cái quan trọng bây giờ là chuyển giao, nhân rộng trong thành viên HTX để có chất lượng sản phẩm đồng đều.

Ông Bùi Ngọc Cung kiểm tra bộ phận phát tín hiệu thu được từ vườn đến điện thoại (ảnh nhỏ).

Ông Bùi Ngọc Cung, với thâm niên hơn 30 năm bám nghề nông trên vùng rau Ðơn Dương (Lâm Ðồng), giờ cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng IoT trên trang trại khoảng 2 ha của mình. Ðôi lúc ông cảm thấy hụt hẫng vì chưa bắt nhịp với ứng dụng mới trong sản xuất. Ông kể: "Cách đây hơn hai năm, mình được tỉnh cho "xuất ngoại" học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp. Sau những chuyến đi ấy, mình bị ám ảnh hình ảnh nền nông nghiệp thông minh và quyết định mạnh dạn đầu tư để thay đổi". Và hiệu quả kinh tế đã rõ, giờ các loại rau, củ của trang trại đã vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng rau sạch trong nước, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.

Sự nhàn nhã đã giúp Nguyễn Ðức Huy có điều kiện tới thăm những nông trại nổi tiếng ở châu Âu, tìm hiểu cách làm nông ròng rã vài tháng. Ông chủ trang trại Langbiang Trần Huy Ðường cũng vậy, dành thời gian rỗi để tham quan, tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến của nhiều nước, đón những đoàn thực tập sinh đến tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Langbiang Farm đang triển khai phần mềm về quản lý trang trại, từ lập kế hoạch sản xuất, theo dõi cây trồng, đến đo sự hài lòng của khách hàng, truy xuất nguồn gốc. "Chúng tôi phân cấp để mỗi đối tượng có thể truy cập, biết được thông tin. Như với công nhân, sau một ngày lao động, họ có thể bấm nút để biết mình đã làm được những việc gì và lương bao nhiêu… Ðó là sự tương tác, nhưng cái cuối cùng là hiệu quả", ông Ðường chia sẻ.

Hiện Lâm Ðồng có hơn 51,7 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích đất nông nghiệp; chiếm 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và 80% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng "Lâm Ðồng đã chú ý lựa chọn những đơn vị có công nghệ tốt, phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Ðặc biệt, người dân đã tham gia, làm chủ trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Và đây là nơi có nhiều nông dân tỷ phú của cả nước".

Theo Mai Văn Bảo/Báo Nhân Dân.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập322
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại815,487
  • Tổng lượt truy cập90,878,880
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây