Người dân xã NTM Vị Tân, thành phố Vị Thanh tích cực góp công, góp sức thực hiện giao thông nông thôn tại địa phương.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngoài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM thì thông qua các buổi họp dân, chi bộ có lồng ghép về công tác NTM. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp còn có hành động thiết thực trong việc kêu gọi và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quần chúng, đảng viên thực hiện xây dựng NTM. Trong đó, mỗi cán bộ cần có những giải pháp tham mưu tốt cho ban chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM và vận động mọi người cùng tham gia, hiến công, hiến đất, hoa màu… làm các công trình phúc lợi xã hội.
Từ việc làm thiết thực trên đã giúp cho phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM” hàng năm đều đạt nhiều thắng lợi và đi vào chiều sâu. Điển hình là tổng nguồn vốn do nhân dân đóng góp cho công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay hơn 50 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, cộng với nguồn vốn chương trình, tín dụng, doanh nghiệp đã góp phần giúp tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, điện, y tế, cơ sở vật chất văn hóa… đúng quy định.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả triển khai chương trình thì Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã phân lập rõ từng nhóm tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Cụ thể, có các nhóm như: Nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhóm nâng cao đời sống nhân dân, nhóm hoàn thiện hệ thống chính trị củng cố quốc phòng - an ninh, nhóm môi trường. Trên cơ sở phân chia này, các địa phương xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp để phấn đấu hoàn thành theo từng nhóm tiêu chí.
Song song với phân nhóm tiêu chí thì hàng năm Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đều tổ chức rà soát tiến độ thực hiện NTM ở từng xã, sau đó chọn ra những xã có khả năng hoàn thành tất cả các tiêu chí chưa đạt trong năm để có hướng tập trung chỉ đạo và dồn sức nhằm giúp các xã sớm ra mắt NTM, đảm bảo đạt số lượng xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo từng năm và giai đoạn. Điển hình trong năm 2017 này, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh chọn ra 7 xã, trong đó phấn đấu công nhận đạt chuẩn NTM từ 2-4 xã, những xã chưa đạt trong năm nay sẽ làm tiền đề cho năm sau.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết thêm: Mỗi xã đều có lộ trình xây dựng NTM ngay từ khi chương trình triển khai. Tuy nhiên, khi được xếp vào nhóm các xã về đích NTM có thời gian ấn định cụ thể thì những xã đó đều thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ hơn. Từ sự quyết tâm này mà UBND tỉnh đã xét và tổ chức lễ công nhận được 2/7 xã có kế hoạch đạt chuẩn NTM trong năm 2017 là xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ và xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Qua đây, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM được công nhận đến thời điểm này là 19/54 xã, đồng thời phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 2 xã được công nhận.
Ngoài những điểm sáng trên, điều đáng phấn khởi trong quá trình xây dựng NTM của Hậu Giang là từng xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM đều đạt được mục đích cuối cùng của chương trình là đời sống của người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, để làm được điều này thì công tác phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình hay được các ngành thực hiện tốt.
Trong đó, nổi bật là chương trình số 04 của tỉnh về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020 đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Điểm sáng là chương trình liên kết trong sản xuất và bao tiêu nông sản, mà trọng tâm là các nông sản chủ lực của tỉnh. Cụ thể, hiện đã có hơn 8.000ha đất trồng lúa, mía được thực hiện theo mô hình liên kết sản xuất như: áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và được bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như: cam sành, bưởi Năm Roi, khóm Cầu Đúc, cá tra thương phẩm... cũng đang có thị trường đầu ra ổn định. Hiện các xã đạt chuẩn NTM đều có thu nhập bình quân đầu người vượt mức 33 triệu đồng/người/năm, riêng năm 2018 phấn đấu thu nhập 37 triệu đồng/người/năm. Đây thật sự là thành tích rất đáng tự hào và có ý nghĩa then chốt trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo trong xây dựng NTM của tỉnh là không chạy theo thành tích mà các xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM phải có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân càng được nâng cao. Từ quan điểm trên, cộng với nhiều cách làm hay, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh luôn đạt được sự kỳ vọng của người dân…
Theo Hữu Phước/Báo Hậu Giang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã