Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với sự cần cù, vươn lên không chịu thua số phận, ông Nguyễn Văn Còn ở khóm 5, phường 1, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu từ mô hình hoa màu luân canh quanh năm.
Khi mới lập nghiệp, gia đình chỉ có 2 công đất vườn tạp (khoảng 2.000m2) nhưng với sự đam mê trồng trọt và cần cù trong công việc, nông dân Nguyễn Văn Còn quyết định làm giàu từ việc trồng màu. Nhờ siêng năng, tiết kiệm trong chi tiêu, sau mỗi năm thu hoạch, gia đình ông Còn lại tích lũy để mua thêm đất vườn và ruộng nên đến nay đã có 2,5 ha đất trồng lúa và 1 ha trồng các loại hoa màu luân canh; thu nhập hàng ngày từ tiền bán hoa màu và trồng lúa đem lại tổng thu nhập mỗi năm khoảng 400 triệu đồng.
Nguồn thu nhập cao cũng nhờ gia đình đã chuyển một phần đất lúa sang chuyên canh rau màu sạch để phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Ông Còn mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 100 triệu đồng để trồng các loại rau sạch.
Theo gia đình, việc trồng rau trong nhà lưới tuy chi phí ban đầu khá cao, nhưng đem lại lợi nhuận lâu dài. Giá trị hoa màu cao hơn so với rau bình thường, sản xuất được quanh năm và tiết kiệm được chi phí.
Ông Còn cho hay, sản xuất rau sạch phải có nhà lưới để tránh sâu bệnh và mưa dập thì mới cho hiệu quả cao. Trong nhà lưới rộng vài trăm mét vuông, ông Còn trồng các loại rau muống, cải xanh, mùa nào thức nấy và sử dụng hệ thống phun sương tự động để tưới khi không có mưa chứ không sử dụng thuốc hóa học, trừ sâu. Nhờ vậy, rau tiêu thụ tốt và có giá bán cao các loại trồng trước đây. Đều đặn mỗi ngày, ông Còn thu thêm được vài trăm ngàn đồng từ tiền bán rau sạch.
Áp dụng mô hình chuyển đổi cây trồng, tại thị xã Vĩnh Châu và một số địa bàn của huyện Trần Đề, nông dân mở rộng diện tích trồng hành tím, một loại cây đặc sản ở địa phương Sóc Trăng. Thường sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân tranh thủ làm đất để trồng hành tím giống và hành tím thương phẩm cho vụ Tết nguyên đán.
Trong thời gian từ 2 đến 2,5 tháng là hành tím đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 1,8-2,2 tấn/công (1.000 m2). Người trồng hành có thể thu được lợi nhuận trên chục triệu đồng với giá bình quân khoảng 10 ngàn đồng/kg. Trồng hành tím vào mùa khô không chỉ tiết kiệm được nước tưới so với trồng lúa mà còn thu hiệu quả, giá trị lợi nhuận cao hơn họ chọn áp dụng mô hình 1 vụ lúa – 2 vụ hành tím mỗi năm hoặc 1 vụ hành, 1 vụ rau màu khác. Như vậy, đất vừa tốt hơn mà thu nhập còn cao hơn nhiều so với chuyên canh cây lúa.
Sau mấy vụ trồng thử giống bắp Mỹ, ông Sà Rết ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đã có thu hoạch cả bắp rau và bắp trái nhưng chủ yếu vẫn là bắp lớn để bán trái. Theo ông Sà Rết, trung bình 1 công bắp (1.000 m2), ông thu được khoảng 4-5 ngàn bắp với giá từ 1.500 – 2.000 đồng/bắp. Với 4 công đất, xoay vòng 4 – 5 vụ bắp/năm, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, ông Sà Rết còn lời từ 30- 40 triệu đồng/năm.
Ngoài lúa màu, rau sạch, ở những vùng có điều kiện trồng màu, đất gò cao, nông dân ở huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị còn trồng các loại rau, củ quả như ớt sừng châu Phi, dưa hấu, khóm (dứa), cấy ăn quả, cây có múi… cũng là hình thức đưa cây màu xuống chân ruộng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, tùy theo điều kiện, thổ nhưỡng từng vùng để phát huy hiệu quả cây trồng vật nuôi.
Đặc biệt, thực hiện đề án phát triển đàn bò sữa, bò thịt của tỉnh theo lộ trình phấn đấu đến năm 2020, Sóc Trăng có 100.000 con bò thịt và năm 2025 có 200.000 con bò, những năm qua, đàn bò của người dân nông thôn, nhất là vùng đồng bào Khmer đã tăng trưởng nhanh. Hiện đã có hơn 12.000 con bò sữa và gần 50.000 con bò thịt. Hiệu quả của việc phát triển đàn bò khá rõ.
Nhiều hộ chỉ 1-2 con bò cho sữa mỗi ngày đã thu nhập từ 100-200 ngàn đồng từ sữa và có thể thoát nghèo. Nhiều hộ tăng đàn nhanh, có 5-7 con bò sữa đã giúp họ trở thành hộ khá, giàu với mức thu nhập cao mỗi ngày. Riêng bò thịt, việc phát triển đàn cũng khá hiệu quả. Chỉ cần, mỗi năm xuất bán vài con là các hộ cũng có nguồn thu nhập khá bởi đa số bà con còn có nguồn thu từ ruộng, rẫy, làm thêm khác.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị, sản xuất xanh, sạch, an toàn.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn trong trồng lúa, mía, nuôi tôm, rau màu sạch được mở rộng và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; ưu tiên phát triển đàn bò sữa, bò thịt, vật nuôi có giá trị để góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn từ các mô hình xen canh, luân canh, kể cả phát triển ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống ở nông thôn…/.
TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã