Kiểm tra cây giống trước khi xuất bán
Trong khi còn nhiều nhà nông phải rất vất vả mỗi năm mới có thể thu lãi được 10 triệu đồng/sào ruộng canh tác thì anh Lý Văn Sách (ở thôn Đan Kim, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên) lại dễ dàng có lãi cả trăm triệu trên cùng diện tích và thời gian đó.
Tâm sự với chúng tôi anh Sách chia sẻ: Quê anh đất chật người đông. Bình quân nhân khẩu chưa đầy 1 sào 360m2 ruộng khoán. Để đảm bảo đủ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, mọi người đều phải xoay sở bằng rất nhiều nghề canh tác khác nhau. Riêng anh đã chọn nghề chiết ghép nhân giống cây ăn quả làm kế sinh nhai cho gia đình.
Ban đầu chưa có vốn và thị trường tiêu thụ cây giống, anh Sách chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ 1 - 2 sào canh tác, rồi mang cây đi bán chào hàng tới các nhà vườn và thương lái trong khu vực. Sau khi đã tích luỹ được số tiền kha khá và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Anh Sách đã tiến hành thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích nhân giống cây ăn quả lên hơn 8 sào.
Nhờ chịu khó cần cù, đến nay mỗi năm gia đình anh Sách có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 vạn cây ăn quả đặc sản các loại. Chủ yếu là cam, bưởi, ổi, nhãn, xoài và hồng xiêm, trong đó có khá nhiều giống cây ăn quả mới, năng suất chất lượng cao như cam CT36, hồng xiêm xoài, nhãn đầu dòng PHS2, HTM-1...
Để cuốn hút được nhiều nông dân và thương lái đến thu mua cây giống cho gia đình, anh Sách luôn đặc biệt coi trọng đảm bảo chất lượng các loại cây giống làm ra. Bao gồm các khâu gieo ươm cây gốc ghép, lựa chọn những hạt mẩy đều, xử lý triệt để mầm bệnh trước khi gieo và tiến hành chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật. Mắt ghép cũng được lấy từ các cành bánh tẻ sạch bệnh, ở giữa tán cây mẹ thường xuyên cho năng suất, chất lượng cao.
Ngoài ra, anh sách còn mở rộng giao lưu, liên kết với các nhà vườn sản xuất giống cây ăn quả có uy tín trên toàn quốc, để học hỏi bí quyết kinh nghiệm và trao đổi nguồn giống mắt ghép chất lượng cao.
Bên cạnh đó, anh Sách cũng thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả. Qua đó anh đã cập nhật được các tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng sớm vào sản tại vườn nhà.
Cũng nhờ mối liên hệ này, mà anh Sách đã có được giống cam CT36. Đây là giống cam mới, không hạt. Dạng quả cao thành, ra theo chùm. Mỗi chùm 3 - 4 quả. Trọng lượng trung bình 4 - 5 quả/kg. Khi chín vỏ quả có màu vàng. Ruột vàng. Vị ngọt thanh (ăn không the). Đặc biệt là thời gian cho thu hoạch rất sớm (trong tháng 8), sớm hơn cam Vinh 1,5 tháng. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn quả/sào. Chăm sóc tốt có thể đạt được trên 1,7 tấn/sào. Cây giống được ghép trên gốc chấp. Nên khả năng sinh trưởng và chống chịu điều kiện bất thuận rất tốt.
Theo anh sách, thời vụ tốt nhất cho ghép cây ăn quả ở khu vực đồng bằng sông Hồng hàng năm là từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10. Cần theo dõi sát sao dự báo thời tiết, để ngay sau ghép cây giống không gặp mưa, đạt tỷ lệ sống cao. Dao ghép phải luôn sắc, để lát cắt phần mắt ghép và gốc ghép luôn phẳng mịn. Chú ý, tuyệt đối không để vương dính bụi bẩn vào vết ghép.
Ghép giống cây ăn quả
Cuối cùng là quấn nilon cho vết ghép phải thật chặt, bao kín toàn bộ mắt ghép và miệng ghép, sao cho mưa gió không rơi lọt nước và không khí vào vết ghép. Các thao tác kỹ thuật nói trên đều phải phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng và chính xác.
Anh Sách khuyến cáo, những người mới vào nghề sản xuất giống cây ăn quả, trước hết hãy tập cắt mắt ghép cây ăn cây cho thật thuần thục. Sau đó đi ghép thuê cho các nhà vườn để học thêm bí quyết kinh nghiệm nhân giống cho từng chủng loại cây ăn quả. Rồi mới tiến hành sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả tại nhà.
Bằng những cách làm này, từ nhiều năm nay anh Sách đã làm chủ mọi kỹ thuật ghép nhân giống các loại cây ăn quả như, ghép cành, ghép mắt, ghép chắp và ghép quả trên cây có múi. Mọi loại cây giống của gia đình anh khi xuất vườn đều đảm bảo mập khoẻ, sạch bệnh. Sản xuất đến đâu được các nhà vườn và thương lái đến bao tiêu hết đến đó. Doanh thu mỗi năm đạt trên 800 triệu đồng. Lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng.
Ngoài làm giàu cho gia đình, anh Sách còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ với mức thù lao 150 - 800 nghìn/người/ngày, tuỳ theo kỹ thuật tay nghề.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã