Cây hái ra tiền tỷ
Trước đây, người dân ở Mường Thải từng trồng các giống cam địa phương và cây cam cũng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Nhưng một phần do thiếu kỹ thuật chăm sóc, ít đầu tư nên năng suất chất lượng không cao, còn một phần do thị trường tiêu thụ không ổn định nên trồng được một thời gian, bà con đã chặt phá đi.
Cam Phù Yên đương trưng bày giới thiệu trong ngày Cục sở hữu trí tụê cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cam Phù Yên
Từ khi cải tạo giống cam địa phương và đưa những giống cam mới như: Cam đường Canh, cam Vinh, quýt… vào trồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Những giống cam mới này không chỉ quả to, đẹp, vị ngọt đậm, vỏ mỏng mà còn được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở Mường Thải.
Hiện nay, huyện Phù Yên có trên 420 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam 197 ha tập trung nhiều ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang; diện tích cam là 56 ha; năng suất trung bình đối với giống cam Vinh đạt 21 tấn/ha, cam đường canh 20 tấn/ha.
Những cây cam sai chi chít quả
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Hiện cam đang được trồng nhiều ở xã Mường Thải, cây cam đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ trồng cam. Bởi vậy, huyện đã vận động người dân chuyển đổi những diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cam, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa
Để cây cam phát triển bền vững, nhiều hộ trồng cam đã liên kết thành lập các hợp tác xã cam, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tiêu chí “hoa quả sạch”. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam, đưa cây cam thực sự trở thành cây trồng bền vững ở Phù Yên.
Nông dân trồng cam phấn khởi sau mỗi mùa thu hoạch, vì cam được giá
Từ trồng cam nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng cam.
Một tín hiệu vui với người trồng cam ở Mường Thải, là ngày 16.12, cam Phù Yên được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “đăng ký nhãn hiệu cam Phù Yên” mở ra cơ hội để các doanh nghiệp người tiêu dùng cả nước biết đến, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam, đưa cam trở thành cây trồng bền vững cho bà con nông dân của huyện Phù Yên.
Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “đăng ký nhãn hiệu cam Phù Yên” mở ra cơ hội để các doanh nghiệp người tiêu dùng cả nước biết đến
Đây cũng là cơ sở để huyện Phù Yên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm Cam, mở rộng diện tích, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao ý thức của bà con nông dân trong khâu chăm bón đến khâu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn cho người dân huyện Phù Yên.
“Để nâng cao năng suất, chất lượng cam, thời gian tới huyện Phù Yên tiếp chỉ đạo nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm cải tạo giống, đưa giống cam chất lượng cao vào sản xuất”, ông Nguyên chia sẻ.
Cam được bày bán cho du khách qua đường
Theo Quốc Định/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã