Bước đột phá trong tư duy làm ăn
Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Văn Sửu, ở xóm 6, xã Đỉnh Sơn khẳng định: “Nông dân chúng tôi vui lắm! Bao đời nay, ai cũng biết người dân ở vùng núi Anh Sơn dù cần cù chịu khó làm ăn nhưng đời sống luôn khó khăn, để no cái bụng là một bài toán khó. Thế nhưng, đến bây giờ, có thể khẳng định rằng, khó nhưng không phải là không làm được, nhất là khi đồng bào biết sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai của mình. Tất nhiên là cũng cần có đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền và cán bộ khoa học - kỹ thuật của địa phương biết lo cho dân!...”.
Tiếp lời ông Sửu, anh Lê Văn Dũng, chủ một hộ đang làm ăn tấn tới nhờ trồng ngô sinh khối kể cho chúng tôi nghe “lý lịch” và quá trình chuyển đổi phương cách trồng ngô truyền thống trên đất Đỉnh Sơn nói riêng, huyện Anh Sơn nói chung. Theo anh Dũng, là một xã miền núi, cách đây chưa lâu, toàn xã Đỉnh Sơn chỉ có một số ít hộ thuộc diện khá giả, còn lại đều thuộc diện nghèo, cận nghèo.
“Kể từ khi mô hình trồng cây ngô sinh khối được áp dụng, đời sống của nhiều hộ dân ở Đỉnh Sơn được cải thiện rõ nét do thu nhập tăng cao trong cùng một đơn vị canh tác. Có thể nêu ra những “con số hi vọng” như sau: Mỗi héc-ta đất canh tác, nếu trồng ngô hạt thì phải mất hơn 4 tháng, cho năng suất khoảng 4,5-5 tấn ngô hạt khô, nếu được giá thì người trồng thu về 25 triệu đồng. Nhưng nếu thu hoạch theo mô hình sinh khối chỉ mất hơn 2 tháng và lượng ngô sinh khối đạt khoảng 40 tấn, bán được gần 40 triệu đồng…” - Anh Dũng cho hay.
Cũng theo ông Sửu và anh Dũng, không phải đến bây giờ mà từ cách đây rất lâu, trăn trở với câu hỏi, đồi núi ở Anh Sơn bạt ngàn, cây cối quanh năm xanh tốt, vì sao “con ma đói nghèo” vẫn bám riết đời sống người dân; cấp ủy, chính quyền huyện, xã, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai kế hoạch đưa cây ngô giống mới làm cây trồng chủ lực tại các thôn, bản. Kết quả trồng thí điểm cho thấy, các giống ngô mới rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Anh Sơn, cho giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác.
Thế rồi, sự xuất hiện của các trang trại nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Công ty bò sữa TH, Vinamilk, công ty nuôi bò thịt cùng các nhà máy chế biến thức ăn đã làm nảy sinh nhu cầu ngô sinh khối rất lớn. Để đảm bảo “đầu vào”, chủ các doanh nghiệp, trang trại đã tìm đến nông dân bàn bạc, ký hợp đồng bao tiêu ngô sinh khối. Việc này đã mở ra cho không ít hộ nông dân ở huyện Anh Sơn hướng chuyển đổi phương cách canh tác cây ngô và được chính quyền huyện, xã nhiệt tình ủng hộ.
“Ban đầu cán bộ xã, huyện rất lo vì người dân ở Anh Sơn chưa trồng ngô theo hướng sinh khối bao giờ. Nhưng đến bây giờ, có thể khẳng định rằng, với sự chăm chỉ và quyết tâm cao của người dân, mô hình ngô sinh khối sẽ đứng vững trên đất Anh Sơn, theo đó, kinh tế hộ gia đình của người dân nơi đây sẽ “có cơ” phát triển” - Nông dân Lê Văn Sửu tự tin khẳng định.
Tương lai phát triển
Nói về tương lai của mô hình trồng ngô sinh khối ở vùng núi Anh Sơn, một cán bộ thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết, thấy được sự năng động, quyết tâm của người trồng ngô và nhất là sự nhiệt tình, trách nhiệm của chủ các trang trại trong việc “phủ xanh” mô hình ngô sinh khối tại địa phương, cách đây 2 năm, UBND một số xã trong huyện đã “đàm phán” ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực về các xã để hướng dẫn bà con áp dụng mô hình trồng ngô sinh khối. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho đồng bào trong sản xuất ngô, nhiều lớp tập huấn thâm canh cây ngô theo mô hình mới đã được mở tại các xã. Các lớp tập huấn tập trung hướng dẫn đồng bào các kỹ thuật lựa chọn giống, thời vụ trồng, kỹ thuật làm đất, bón phân, mật độ khoảng cách trồng, kỹ thuật chăm sóc trong mô hình ngô sinh khối.
Nông dân còn được hướng dẫn lý thuyết vừa được thực hành các thao tác kỹ thuật trên đồng ruộng. Với phương pháp giảng lý thuyết kết hợp với thực hành đã giúp người dân dễ tiếp thu kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm trong mô hình ngô sinh khối để áp dụng vào thực tế của gia đình. Đến nay, trong số hơn 2.300ha ngô mỗi vụ của toàn huyện Anh Sơn có khoảng 410ha được nông dân trồng ngô sinh khối…
Vẻ mặt rạng rỡ vì thắng lợi trong vụ ngô sinh khối năm nay, ông Nguyễn Văn Sỹ, ở xóm 3, xã Đỉnh Sơn tâm sự: “Nhà tôi có gần 7.500m2 ruộng trồng ngô, những năm trước chỉ canh tác được 2 vụ, sản lượng đạt trên 3 tấn/vụ, bán được gần 20 triệu đồng. Nghe cán bộ nói áp dụng mô hình trồng ngô sinh khối có thể gia tăng thu nhập, ở nhiều nơi bà con đã khá lên nhờ nó, nên tôi hăng hái làm ngay. Vụ đầu tiên, rồi vụ thứ hai, cũng diện tích đó, tôi thu được 30 tấn ngô sinh khối, bán được 27 triệu đồng, lại không mất khoản chi cho thuê nhân công thu hoạch tách hạt, mỗi vụ lên đến 3 triệu đồng. Đấy là chưa kể đến nhiều cái lợi khác như tránh được lũ chính vụ, rút ngắn thời gian mỗi vụ...”.
Không chỉ có hộ ông Sỹ, ở xóm 3, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, rất nhiều hộ áp dụng thử, sau đó tiến tới “làm thật”, sau thu hoạch thấy có hiệu quả hơn so với trồng ngô hạt, tốn ít công và phân bón hơn nên họ tiếp tục mở rộng diện tích ngô sinh khối. “Nhờ làm đúng như hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên ngô trồng theo mô hình sinh khối đang phát triển rất tốt. Theo tôi, đây chính là cơ sở để địa phương phấn đấu đưa mô hình này phát triển, góp phần giúp người dân xóa nghèo, tăng giàu...” - Ông Sỹ bày tỏ hi vọng.
Theo Lê Vân/bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã