|
Hơn 20 năm trước, từ một miền quê ở Thanh Hóa, chàng trai Mai Văn Khẩn vào Đà Lạt với 2 bàn tay trắng với dự tính gia nhập “đoàn quân thiếc tặc” để kiếm kế sinh nhai. Được chừng 1 năm, thấy cuộc sống này quá “kinh khủng” nên anh “dạt” về P.12 và quen một cô gái ở làng hoa và xin vào phụ giúp gia đình cô làm vườn. 2 năm sau, đôi bạn trẻ cưới nhau rồi mượn đất của bố mẹ vợ “ra riêng” trồng rau, củ theo phương pháp truyền thống. Năm 1997 trong một lần ra chợ Đà Lạt, Khẩn nhìn thấy một số mặt hàng nông sản “lạ” như: củ cải đỏ, su hào tím, bắp sú bao tử (giống cây súp lơ nhưng người dùng không ăn lá, không ăn bắp mà ăn trái mọc ở nách lá), súp lơ xanh, xà lách lô lô tím, cần tây "khủng"... anh lân la dò hỏi, tìm hiểu nơi mua giống.
Được chỉ dẫn nơi cung cấp và bà con tiểu thương cho giống, anh mang về trồng thử và mày mò nghiên cứu đối chứng để chọn giống có hiệu quả đưa ra trồng chính thức. “Ban đầu trồng ít cũng có kết quả, mình chọn những mặt hàng đẹp bán lại cho công ty cung cấp giống này, số bán không hết mình tặng cho bà con ở đây nhưng không ai dám ăn vì thấy lạ. Mãi hơn 1 năm sau, người ta mới quen dần và dùng đến”, anh Khẩn kể lại. Ngoài những cây giống “lạ” này, anh Khẩn còn trồng nhiều cây rau, củ truyền thống rồi tích cóp tiền mua đất dần dần và anh mua được 4 ha đất để sản xuất cho đến nay.
Trồng rau “tử tế”
|
Đến năm 2003, nhận thấy việc trồng rau theo phương pháp truyền thống, sử dụng thuốc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe và không thể tiêu thụ mạnh, lại thấy bà con trồng hoa trong nhà kính có hiệu quả, anh bắt đầu đi tìm hiểu, tiếp cận dần và ứng dụng vào trồng rau. Anh làm nhà vòm bằng lưới, rồi trời mưa anh kéo ni lông phủ lại và bắt đầu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Thấy có hiệu quả hơn sản xuất bình thường, không có sâu bọ dù không sử dụng thuốc trừ sâu, nên dần dần anh hoàn thiện nhà kính, nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tự động, mua màng phủ PE và đến năm 2007 anh chính thức chuyển sang trồng rau theo hướng “có trách nhiệm” với người tiêu dùng.
Anh Mai Văn Khẩn tâm sự: “Cây rau thì lúc này, lúc khác nhưng mình phải đưa ra thị trường cho được sản phẩm sạch, chất lượng cao để bà con tiêu dùng và nhớ đến mình, chứ nếu làm “ẩu” thì sau này ai đến với mình nữa”. Nghĩ vậy nên anh áp dụng quy trình trồng rau rất nghiêm nhặt, tuân thủ mọi tiêu chuẩn chất lượng theo quy định nên sản phẩm luôn có chất lượng cao, an toàn và đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty ở TP.HCM tìm đến mua, anh đứng ra thành lập tổ liên kết sản xuất với hơn 10 hộ gia đình. Anh đầu tư giống, phân bón rồi hướng dẫn kỹ thuật cũng như yêu cầu bà con sản xuất theo quy trình của mình, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ. Hoạt động hiệu quả, năm 2012 tổ liên kết sản xuất này được “lên đời” thành Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến do chính anh Khẩn làm chủ nhiệm.
Những năm qua, sản phẩm rau, củ sạch của anh Khẩn cung cấp chủ yếu cho hệ thống siêu thị Metro, chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM) và đưa đi tiêu thụ ở một số tỉnh thành khác như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng với sản lượng trên 1,5 tấn rau, củ các loại/ngày, mang về thu nhập (lãi ròng) từ 1,5 - 3 tỉ đồng/năm. Anh Khẩn chia sẻ: “Khi mình đã chọn hướng đi mà cảm thấy đúng rồi thì nên mạnh dạn, đầu tư làm và sẽ mang lại kết quả thắng lợi”.
Số ĐT của anh Mai Văn Khẩn: 0913744027
Gia Bình
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã