Dạy nghề sát thực tiễn và nhu cầu
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội ND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh còn 37,4% là hộ nghèo, khá cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của các tỉnh miền núi phía Bắc…
Ông Dương Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Cao Bằng cho biết, dù là một tỉnh vùng cao biên giới, nhưng đến nay các cấp Hội đã tuyên truyền và xây dựng được 121 mô hình nông dân học tập và làm theo lời Bác... Đến nay, toàn tỉnh đã có 17.365 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Qua thẩm định, bình xét đã có trên 14.000 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp...
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng (bên trái) lưu ý với Hội ND tỉnh Cao Bằng một số vấn đề trong dạy nghề cho nông dân. Ảnh: Trần Quang
"Trong định hướng phát triển và dạy nghề cho nông dân, Hội phải tuyên truyền làm thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu để tiến tới sản xuất hàng hóa, sản xuất có áp dụng công nghệ cao, như việc sử dụng điện thoại để chăm sóc cây trồng, chăn nuôi…". Chủ tịch Hội NDVN |
Chia sẻ những khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định, trong thời gian tới, Hội NDVN sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn cho Hội ND tỉnh Cao Bằng để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp…
Khi đến công trường thi công Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, nghe báo cáo từ lãnh đạo Hội ND tỉnh Cao Bằng về tiến độ xây dựng, Chủ tịch Thào Xuân Sùng chỉ đạo: "Phải để ý đến việc xây dựng nhà xưởng để dạy thực hành và trình diễn mô hình giới thiệu cho nông dân khi học nghề. Ví như mô hình trồng cây cà chua không hạt. Cán bộ dạy nghề phải giới thiệu cho bà con quy trình trồng và sinh trưởng của cây như thế nào và khi các học viên thích thú, đến khi biết trồng giỏi về truyền đạt và dạy lại cho nông dân ở các xóm, bản của họ biết cách làm để làm giàu".
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, việc dạy nghề cho nông dân phải sát thực tiễn địa phương, nhu cầu người học, gắn với thực hành. Khi học xong, nông dân phải làm và sống được với nghề đã học. Ở Cao Bằng có địa hình cao, đồi rừng nhiều, cán bộ phải dạy cho dân biết trồng cây và nuôi con sao cho phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu. Người đứng đầu tổ chức Hội NDVN gợi ý: "Tôi đi nhiều nơi thấy ở Cao Bằng có cây trúc sào rất hay. Loài cây này có thể dùng để làm chuồng lợn, gà ở nông thôn, miền núi, cho đến làm nhà vườn sinh vật cảnh ở các biệt thự dưới thành phố. Và có thể làm ra rất nhiều các sản phẩm khác nữa... Vậy nên cán bộ dạy nghề của tỉnh thử nghiên cứu xem làm sao có thể khai thác và chế tác loài cây này ra sản phẩm gì đó độc đáo để bán được, bán tốt. Đó mới là nhiệm vụ của Trung tâm Dạy nghề…”.
Chú ý phát triển cây, con bản địa
Sinh ra, trưởng thành và quá trình công tác gắn nhiều với miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vì thế tại buổi làm việc với Hội ND tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đã chia sẻ, gợi ý, dẫn chứng nhiều mô hình phát triển kinh tế có thể giúp tăng thu nhập cho nông dân. Ví dụ việc nhân nuôi gà rừng. Chủ tịch Thào Xuân Sùng chia sẻ, gà rừng là giống gà rất khỏe và kháng được nhiều bệnh mà gà nhà nuôi khó sánh được, nên rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con ở tỉnh vùng núi như Cao Bằng.
Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, cái khó nhất khi thuần hóa gà rừng là việc làm chuồng cho gà rừng đẻ, vì không bao giờ gà rừng đẻ trong ổ mà dân làm. Chủ tịch Thào Xuân Sùng chia sẻ tiếp: “Để nuôi được gà rừng, bà con phải trồng nhiều nhãn để gà bay lên ngủ và dưới gốc bà con nhớ vứt rơm rạ nhiều để chúng tự lót ổ và đẻ trứng. Nếu bà con sợ mưa làm hỏng trứng thì làm một cái ô che ổ trứng, khi gà rừng mẹ ấp sẽ đảm bảo 10 trứng nở cả 10. Lúc nở con ra bà con lấy cái nơm hay lồng úp cả mẹ và con vào và chăm sóc. Khi gà con đủ lông rồi thả ra, gà mẹ sẽ tự tập cho con biết bay và bay lên cây hết…”.
Từ những dẫn chứng nêu trên, theo Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, trong thời gian tới, lãnh đạo Hội ND tỉnh Cao Bằng cần phải phải bắt tay vào soạn một chương trình dạy nghề theo nhóm nghề, như nhóm tiểu thủ công nghiệp hàng hóa, chăn nuôi vật nuôi, trồng cây hàng hóa.
"Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải dựa vào tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cách làm, tư duy phải thay đổi chứ không phải thích đưa cây, con gì về cũng dạy cho dân được. Các đồng chí nhớ phải dạy cho bà con trồng, chăn nuôi những cây, con có thể mạnh, phù hợp với điều kiện của Cao Bằng thì mới phát triển và đem lại hiệu quả cao, đừng làm theo phong trào mang các cây, con khác về là hại dân…" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng lưu ý.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân trong thời gian tới, Chủ tịch Thào Xuân Sùng chỉ đạo, cùng với việc phát triển phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong năm tới Hội ND Cao Bằng cần đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn nông dân tích cực, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật và từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Theo Trần Quang/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã