Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng
Tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS - Đối thoại chính sách cao cấp, trong phiên họp về: Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực Tiểu vùng sông Mê Koong mở rộng – GMS, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Tiểu vùng Mekong mở rộng với diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số 333,8 triệu người gắn liền với hành lang sông Mekong đang nổi lên thành trung tâm tăng trưởng mới của một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng. Tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP của các nước GMS vẫn còn khá cao, đặc biệt đối với các nước Cam Pu Chia, Lào, My an ma và Việt Nam (CLMV). Đây là khu vực đóng vai trò rất quan trọng cho sinh kế của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp. Trong thập niên vừa qua, tỷ lệ nghèo của các nước GMS đã giảm một nửa nhờ cải tiến công nghệ sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập trong khu vực nông nghiệp.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển đa dạng các nhóm sản phẩm nông nghiệp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng đã từng bước phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nông nghiệp cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, nông nghiệp của các nước GMS có năng lực xuất khẩu tốt, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, Tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Tiểu vùng Mekong mở rộng còn dựa rất lớn vào lợi thế là cửa ngõ giao thương quan trọng của thế giới, là nơi trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác tại Tiểu vùng Mekong mở rộng. Đồng thời, dư địa thị trường và cơ hội cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vô cùng rộng lớn. Kể từ đầu thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đối với hàng nông lâm thủy sản cùng với tăng trưởng kinh tế và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng. Với lợi thế về nông nghiệp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng sẽ còn dư địa rất lớn để chiếm lĩnh thị trường thực phẩm toàn cầu với quy mô 15.000 tỷ USD/năm, và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với thương mại hàng NLTS ở mức gần 2.000 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với hàng loạt thách thức cần xử lý để tận dụng tốt nhất lợi thế về nông nghiệp của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không chỉ giới hạn trong tự do hóa thương mại hàng hóa mà còn mở rộng ra các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư tạo sức ép cạnh tranh và áp lực tới sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, khung pháp lý của chúng ta thường chưa được hoàn thiện kịpthời để đáp ứng với tình hình mới; việc xử lý tranh chấp thương mại gặp nhiều khó khăn khi năng lực giải quyết còn yếu.
Thị trường thế giới rộng mở nhưng cơ cấu thay đổi nhanh chóng theo hướng giảm ngũ cốc, tăng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả; giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô giá rẻ, tăng tiêu thụ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu và các sản phẩm cao cấp. Người tiêu dùng cũng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Thêm vào đó, giá hàng NLTS thô ngày càng biến động thường xuyên và mạnh mẽ hơn trước. Thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, giá cả hàng nông sản thế giới có thể sẽ bị nhiều thay đổi bất ngờ.
Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Tài nguyên đất, tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp không chỉ do quá trình đô thị hóa mà còn do tác động của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, nông nghiệp của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng vẫn phần lớn dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp còn ở mức thấp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được phát huy mạnh mẽ.
Những thách thức nêu trên đòi hỏi quyết sách đúng đắn và sự hợp tác sâu rộng hơn cho phát triển nông nghiệp của khối GMS trong bối cảnh mới. Thứ nhất, cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực cạnh tranh mới khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Thứ hai, phát triển công nghiệp chế biến NLTS, xây dựng liên kết chuỗi giá trị và có cơ chế hợp tác phù hợp để xử lý rủi ro, biến động thị trường ngày càng mạnh. Thứ ba, tăng cường đầu tư và hợp tác chặt chẽ trong phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ không chỉ cho phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp mà còn trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý rủi ro thiên tai và sẵn sàng thích ứng với BĐKH ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và vùng.
Cơ hội và thách thức của công nghệ 4.0 đối với ngành nông nghiệp
Để tận dụng được những lợi thế mà dòng Mekong mang lại cho ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý giá cho các nước với các tiềm năng ứng dụng mới như: Ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất; Công nghệ sinh học giúp giải mã nhanh các hệ gen tạo ra những giống cây trồng mới chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; Công nghệ viễn thámphục vụ công tác trong quản lý, giám sát, dự báo lũ, lụt trên các lưu vực sông, cảnh báo cháy rừng; Công nghệ vật liệu nano giúp sản xuất phân bón và thuốc BVTV theo đặc tính của các vi sinh vật trong đất và giúp bảo quản nông lâm sản tốt hơn, tăng chất lượng và hạn sử dụng. Ngoài ra những ứng dụng khác như công nghệ in 3D, Robot giúp thay thế lao động chân tay, tăng năng suất, giảm giá thành...
Tuy nhiên, là nhóm các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và thấp, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng này:
Thứ nhất, các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng có nền nông nghiệp chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên và lao động giá rẻ sẽ gặp nhiều khó khăn vì khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, năng suất lao động thấp.
Thứ hai, nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa dẫn tới tình trạng gián đoạn công việc và thất nghiệp.
Thứ ba, công nghệ 4.0 có khả năng mở rộng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội do tri thức sẽ là yếu tố đại diện quan trọng cho sản xuất, hơn là vốn. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các phân đoạn “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các vấn đề xã hội.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các nước GMS, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất 5 giải pháp.
Thứ nhất, các nước cần đẩy mạnh hơn việc phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên biên giới.
Thứ hai, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Thứ ba, phối hợp tốt nhất trong giao thương giữa các nước, tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa theo hành lang sông Mekong. Tăng cường hợp tác và ứng dụng công nghệ mới để phát triển ngành logistics hỗ trợ nông nghiệp và quản lý chất lượng hàng nông sản xuyên biên giới
Thứ tư, tăng cường đầu tư và phối hợp giữa các nước, giữa khối công và khối tư trong khu vực GMS trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số
Thứ năm, tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng (dự báo, cảnh báo sớm thời tiết; cảnh báo cháy rừng; diễn biến xâm nhập mặn nước ngầm, nước mặt; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; cảnh báo lũ lụt; giám sát an toàn hồ đập và điều hành liên hồ chứa thông minh…). Tăng cường hợp tác về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước quý báu của sông Mekong cho phát triển nông nghiệp.
Theo Dương Thanh/Báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã