Khai thác thủy sản ở Thái Thụy.
Cùng với việc ban hành các nghị quyết, quyết định, Thái Thụy phân công các đồng chí Huyện ủy viên, thành viên ban chỉ đạo trực tiếp phụ trách từng xã. Do vậy, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được sâu sát, kịp thời, hiệu quả hơn. Khối mặt trận, đoàn thể phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nhận thức được mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình. Qua đó đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết tâm của mỗi người dân cùng cộng đồng xã hội. Cũng thông qua tuyên truyền, người dân hiểu được rằng chính họ là người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM nên đã tích cực lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM.
Ông Hoàng Đăng Cát, báo cáo viên Đảng bộ xã Thái Giang cho biết: Lúc đầu, người dân Thái Giang rất lo về sự đóng góp quá sức dân nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động thì nhận thức về trách nhiệm trong xây dựng NTM của người dân đã thống nhất, nỗ lực thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã biên tập chuyên mục “Học Bác mỗi ngày”, toàn dân đoàn kết xây dựng NTM phát liên tục trên hệ thống truyền thanh. Những gương người tốt, việc tốt được phát hiện, phản ánh kịp thời, qua đó khuyến khích thúc đẩy phong trào trở thành cao trào thực hiện.
Về xã Thụy Văn hôm nay ai cũng ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng quê này. Nhờ sự bứt phá ngoạn mục từ chương trình xây dựng NTM mà Thụy Văn vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm. Thành công này chính là nhờ sự đồng thuận ý Đảng, lòng dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Vũ Hữu Tiếp, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thụy Văn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Do vậy, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng và nhà nước hỗ trợ một phần đã thấm sâu vào tư tưởng mỗi người dân. Để giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí và để được công nhận lại lần 2, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và thanh khoản nợ công.
Còn đối với Thái Thịnh - địa phương mà những năm 1997, 1998 của thế kỷ trước từng là điểm nóng về an ninh nông thôn thì nay ai cũng có thể cảm nhận khí thế hào hứng của toàn dân dồn sức xây dựng NTM. Khi bắt tay thực hiện chương trình, Thái Thịnh bộn bề khó khăn; cơ sở hạ tầng xuống cấp, quỹ đất quy hoạch khu dân cư để đấu giá đầu tư xây dựng cơ bản không còn. Trước những thách thức đó, trên cơ sở xác định rõ tư tưởng “huy động nội lực là chính”, Thái Thịnh tranh thủ nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, vận động các cụm dân cư đóng góp kết hợp với con em xa quê ủng hộ để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng từ nguồn hỗ trợ của con em xa quê cho các công trình phúc lợi địa phương lên tới trên 11 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nguồn ngân sách địa phương rất khó nên chúng tôi huy động sự vào cuộc của nhân dân, sự động viên của con em xa quê, của các doanh nghiệp có con em quê hương Thái Thịnh thành đạt để làm sao thu hút các nguồn lực xây dựng NTM. Những khu vực dân cư kinh tế khó khăn thì xã cùng với ban phát triển thôn gặp gỡ con em của các cụm dân cư đó đi công tác xa để cùng cộng đồng trách nhiệm, giúp khu dân cư hoàn thành một số tiêu chí do khu dân cư đứng ra làm. Do vậy, Thái Thịnh thu hút con em xa quê ủng hộ rất lớn.
Không mạnh mẽ như Thụy Văn, không dồn dập như Thái Thịnh, Thái Thuần - mảnh đất được coi là “chiêm khê mùa úng”, khó khăn nhất nhì huyện đã hoàn thành xây dựng NTM bằng sự vận dụng linh hoạt, tư duy nhạy bén và khả năng sáng tạo. Từ nền tảng xây dựng nếp sống văn hóa đã quy tụ tinh thần đoàn kết toàn dân chung sức thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM trên 43 tỷ đồng. Diện mạo làng quê đổi thay rõ nét.
Ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND xã bộc bạch: Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, chỉ đạo sâu rộng tới hệ thống chính trị, cơ sở thôn về nhiệm vụ, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Địa phương xác định điều kiện khó khăn nên thực hiện theo lộ trình dễ làm trước, khó làm sau. Áp dụng cơ chế, chính sách của cấp trên và tình hình thực tế địa phương, Thái Thuần xây dựng lộ trình và cơ chế đầu tư hỗ trợ cùng nhân dân thực hiện.
Nhìn lại 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng vốn đầu tư của toàn huyện Thái Thụy trên 3.500 tỷ đồng. Trong đó, trên 2.000 tỷ đồng cùng hàng nghìn mét vuông đất, hàng chục nghìn ngày công lao động do nhân dân tình nguyện đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa... Bên cạnh đó, người dân hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng công nghệ cao. Nhờ vậy, toàn huyện có 16 xã xây dựng 19 cánh đồng lớn, diện tích 1.000ha, 20 xã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi; ứng dụng khoa học công nghệ, thâm canh cây trồng mới năng suất giá trị cao. Từ dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất mà chăn nuôi quy mô trang trại tập trung đang dần thay thế cho hình thức nhỏ lẻ trong khu dân cư. Nuôi trồng thủy sản được quan tâm đầu tư. 34ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm ở các xã ven sông, ven biển. Qua đó góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/năm.
Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện chương trình, Thái Thụy đã lồng ghép giữa xây dựng NTM với các chương trình, dự án, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước phát động một cách đồng bộ, hiệu quả như: chương trình phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân, đào tạo nghề nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ vậy, trong tổng nguồn vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng có đến gần 700 tỷ đồng được lồng ghép từ các chương trình, dự án đã thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện phát triển.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc, có nơi thiếu thường xuyên khiến một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; một số xã chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, chưa thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của thành công, hạn chế, Thái Thụy cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm để có giải pháp hợp lý, khoa học nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để sớm đạt mục tiêu huyện NTM, UBND huyện tập trung chỉ đạo các địa phương năm 2018 thực hiện các giải pháp: tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là chủ thể trong xây dựng NTM là nhân dân, với mục tiêu nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ một phần; các địa phương rà soát lại toàn bộ các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian, phân công, phân nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn; huy động các nguồn lực để xây dựng NTM. Ngoài các nguồn lực từ nhà nước hỗ trợ theo quy định thì sự đóng góp của nhân dân địa phương hết sức quan trọng nhưng đồng thời cũng huy động các nguồn lực từ con em xa quê, doanh nghiệp ủng hộ.
Xây dựng nông thôn mới tại xã Thụy Phong (Thái Thụy). Ảnh: Mai Trang
Xây dựng NTM là công việc thường xuyên, lâu dài. Do vậy, Thái Thụy tiếp tục chấn chỉnh, làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đích đến NTM phải thực hiện cho được mục tiêu: “Sản xuất phải thực sự phát triển, cuộc sống nhân dân sung túc, diện mạo nông thôn sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ”.
Theo Hoàng Hương/Báo Thái Bình .vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã