Tháng 2/2017, bà được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt”. Tròn 1 năm sau, tin vui lại đến với nữ doanh nhân 64 tuổi khi quỹ đầu tư VOF thuộc VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD… Người đàn bà phi thường đó không ai khác chính là Phạm Thị Huân (bà Ba Huân).
Viết về bà, rất nhiều người gọi bà với danh xưng “nữ hoàng hột vịt”, còn bà chỉ nhận mình là người phụ nữ bán trứng, giản dị và quen thuộc như cách bà lớn lên, bươn chải để có được cơ ngơi ngày hôm nay.
Tuổi thơ cơ cực đã tôi luyện và hun đúc cho người phụ nữ này đức tính kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc. Ngay cả khi lỗ tới hơn 6 tỷ đồng do dịch cúm gia cầm hoành hành năm 2003, bà vẫn mạnh mẽ và kiên định với con đường đã chọn. Bà kể lại: “Sản xuất ra không ai mua, tôi bắt đầu xách giỏ đi học các nước bạn. Tôi đã tìm đến công ty Moba của Hà Lan, nơi có máy móc hiện đại nhất với công suất 6.000 trứng/giờ và về bàn với các em bán bớt nhà xưởng, đất đai để đầu tư dây chuyền công nghệ này, mới mong cứu vãn hàng vạn hộ dân và cứu vãn chính mình”.
Lý do kiên định của bà rất đơn giản, “nghề này lượm bạc cắc, lấy công làm lời, nên tôi rất biết người, biết của. Dân còn là mình còn. Không phụ người ắt người không phụ mình”.
Sang Hà Lan, gặp ông chủ Moba, bà bảo: “Tôi ít học, một chữ tiếng Anh không biết. Ông hãy bán cho tôi loại máy nào tốt nhất, rẻ nhất, vì có nói tôi cũng không biết đường nào mà chọn”. Thế là đích thân ông chủ tập đoàn chọn cho tôi một dây chuyền công nghệ tự động hóa sản xuất trứng sạch đến 99,9% với vốn đầu tư 30 tỷ đồng.
Nhờ có thêm hỗ trợ lãi suất của lãnh đạo TP.HCM, bà đã thực hiện mô hình ứng vốn để bà con gây dựng lại đàn gà, đàn vịt với phương thức nuôi gia cầm khoa học, tạo ra kênh bao tiêu và bảo đảm thu mua trọn gói. Bà tự nhận mình ít học, đi lên từ chân đất nên rất trân trọng những người nông dân nghèo. “Chính họ làm tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nhờ thế mình có động lực để tiếp tục lăn xả, táo bạo hơn, để làm cuộc cách mạng thứ hai với việc nhập khẩu tiếp dây chuyền công suất gấp đôi, 120.000 trứng/giờ”, bà tâm sự.
Bất kể thị trường biến động thế nào, trong gần 14 năm qua, mỗi ngày Công ty CP Ba Huân đều cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu trứng sạch các loại (trứng gà, trứng vịt, trứng muối, trứng vịt lộn…). Hiện tại, ngoài 1.000 điểm bán lẻ khắp TP.HCM, Công ty CP Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao quy mô 18ha, với tổng đàn 1 triệu con; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên - Bình Dương; Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/ giờ tại Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh; Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa - Long An. Trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con tại Long An. Tháng 4/2017, Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ (Phúc Thọ - Hà Nội) đi vào hoạt động với quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.
Vẫn chưa hết, tháng 2/2018, Tập đoàn VinaCapital đã công bố đầu tư 32,5 triệu USD, tương đương hơn 740,5 tỷ đồng của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) vào Công ty CP Ba Huân. Sau 12 tháng, VOF sẽ xem xét tăng thêm vốn đầu tư nếu DN đạt được mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận giữa đôi bên.
Liên quan đến khoản đầu tư này, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Tập đoàn, chia sẻ: “Công ty CP Ba Huân đã xây dựng được uy tín trong cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng trong bối cảnh an toàn thực phẩm là mối lo chung của người dân cả nước và chi tiêu dành cho sản phẩm có lợi cho sức khỏe ngày càng lớn. Hai bên tin tưởng vào sự hợp tác để đưa kinh nghiệm, kiến thức quản trị mới giúp DN nâng chất lượng quản trị và vững bước tiến vào giai đoạn tăng trưởng kế tiếp”.
Với một người coi việc đi từ thiện chính là lúc giải trí như bà, thì có vẻ sự thành công chỉ quy về quan điểm tròn trịa như trái trứng, bởi “tôi đi gắn kết yêu thương, đi về vùng sâu, vùng xa ủng hộ cho những người khó khăn, tập huấn cho phụ nữ khởi nghiệp, giúp phụ nữ tập sản xuất từ mô hình nhỏ rồi hướng đến những mô hình lớn để phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương của họ”.