Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi mạnh mẽ đời sống của người dân huyện Củ Chi. Trong đó, công tác chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp đô thị, áp dụng quy trình VietGAP là một thành công của huyện.
Theo đó, chương trình này đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 721 tổ chức, cá nhân trồng rau có chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 448ha, sản lượng bình quân mỗi năm ước đạt hơn 47.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn huyện còn có 9.000ha rau an toàn, với sản lượng 160.000 tấn/năm.
Chăn nuôi bò sữa là một trong những thế mạnh của Củ Chi, với tổng đàn khoảng 100.000 con. Ảnh: M.T |
Ngoài sản xuất rau theo quy trình an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, một số hộ dân cũng đang phục hồi những loại rau đặc thù của huyện như rau mốp, chùm bao, lá giang… Ông Nguyễn Văn Trãi – một chủ trang trại trồng rau an toàn ở xã Nhuận Đức cho biết, từ khi áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng rau của trang trại ngày càng được nâng cao, đặc biệt đầu ra rất ổn định.
Ngoài trồng rau an toàn, cung cấp giống bò sữa cũng là một thế mạnh khác của huyện Củ Chi. Mỗi năm, huyện cung cấp hơn 24.000 con bò sữa giống cho người dân thành phố và các tỉnh với giá bán từ 30 - 40 triệu đồng/con, tổng giá trị đạt gần 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn cung cấp cho các hộ chăn nuôi khoảng 900.000 heo giống, trị giá trên 1.500 tỷ đồng.
“Để phát triển đàn bò sữa bền vững, hiệu quả, huyện đang triển khai một số biện pháp như trồng cỏ làm thức ăn gia súc, chế biến thức ăn trộn hỗn hợp (TMR), sử dụng các dòng tinh bò sữa giống có năng suất cao, quy hoạch vùng chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt...” - ông Đức nói.
Riêng đàn heo, hiện toàn huyện có khoảng 200.000 con và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất giống - thịt và áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP. Mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học thân thiện với môi trường cũng được ngành khuyến nông tích cực hướng dẫn người dân thực hiện, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và tận dụng được phân thải ra để sản xuất phân hữu cơ.
Cũng theo ông Đức, với ưu thế đất nông nghiệp còn nhiều, các mô hình trồng cây, hoa kiểng cũng được huyện chú trọng phát triển. Hiện Củ Chi đang có trên 587ha trồng hoa, cây kiểng, trong đó có 165ha hoa lan Dendrobium, Mokara..., đem về cho nông dân hàng tỷ đồng mỗi năm.