Tập tính sống
Thân hình thoi, dài, phủ vảy kín, đầu thuôn, mắt ở hai bên đầu, hơi lồi, hai bên lườn phía lưng có hai sọc trắng chạy dọc thân, phần còn lại có màu nâu đậm. Phía bụng màu sáng bạc, miệng rộng vừa phải. Cá bớp sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, ở các rạn san hô cho đến vùng biển khơi thuộc khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, cá chịu được độ mặn 22 - 45‰, nhiệt độ thích hợp 20 - 300C.
Cá bớp là một loài cá dữ, chủ động bắt mồi, vồ mồi và nuốt chửng, thức ăn ưa thích của chúng là các loài cá, tôm, cua nhỏ. Trong quần đàn cá cái thường lớn nhanh hơn cá đực, có thể đạt 4 - 6 kg sau một năm nuôi. Cá thành thục sau 2 - 3 tuổi, cỡ 6 - 10 kg, cá cái thường thành thục muộn hơn cá đực; mùa sinh sản từ tháng 4 - 9, cao điểm vào tháng 6 - 7. Vào mùa sinh sản cá tụ tập thành đàn, màu sắc nổi 2 sọc sáng dọc thân rõ hơn, nơi sinh sản là các vùng cửa sông, vũng, vịnh ven biển hoặc ngoài khơi. Cá thường đẻ vào lúc hoàng hôn và có thể đẻ 15 - 20 lần trong mỗi mùa sinh sản. Sức sinh sản cá cái từ vài trăm nghìn đến hàng triệu trứng mỗi con, trứng cá thuộc dạng trôi nổi và nở tốt ở độ mặn 30 - 32‰, nhiệt độ thích hợp 24 - 280C.
Tình hình nuôi
Do cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Năm 2000, Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống, đến nay đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống thành công tại các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa… Hiện, quy trình sản xuất giống cá đã ổn định và được đơn giản hóa để áp dụng rộng rãi, kể cả tại các cơ sở không có điều kiện đầu tư.
Cá bớp được nuôi chủ yếu bằng lồng trên biển. Có hai kiểu lồng nuôi phổ biến là lồng vuông bằng gỗ, sắt, quây lưới, thể tích 30 - 180 m3, được dùng nuôi ở vũng vịnh kín sóng gió; loại thứ hai là lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích 300 m3 trở lên), có thể nuôi được ở những vùng biển hở có sóng gió lớn. Cỡ mắt lưới dùng cho lồng nuôi tăng dần theo sự tăng trưởng của cá (a = 1,5 - 3 cm).
Ngoài ưu điểm tăng trọng nhanh, cá bớp còn có tính thích nghi cao, kháng bệnh tốt. Cá bớp thương phẩm hiện được nuôi phổ biến bằng hình thức nuôi nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các thành phố lớn trong nước, đồng thời cũng được nuôi công nghiệp với sản lượng lớn. Điển hình là Công ty TNHH Marine Farm Asa Việt Nam nuôi cá bằng lồng tròn HDPE trên vùng biển mở tại tỉnh Khánh Hòa cho sản lượng 3 - 4 nghìn tấn/năm và 80% cá thương phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.
>> Với giá bán giống 10 - 15 nghìn/con, cỡ cá 15 - 20 cm, mật độ thả 5 - 6 con/m3, sau 1 năm, cá đạt 4 - 6 kg/con, đạt hệ số thức ăn 7 (ăn cá tạp) và hệ số thức ăn 1,8 (ăn cám công nghiệp). Giá bán cá thương phẩm tại lồng 100.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí sẽ mang lại lợi nhuận cho người nuôi 50 - 60 nghìn/kg. |
Dương Tử/thủy sản việt nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã