Ông Nguyễn Ngọc ở tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, một trong những người được chọn thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông cho biết: Từ trước đến nay gia đình ông chủ yếu thả nuôi các đối tượng truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi... và chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh và bán thâm canh, thời gian nuôi lại kéo dài nên lợi nhuận thu lại trên cùng đơn vị diện tích mặt nước không cao. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế, khi nghe Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Gio Linh đang triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Qua quá trình thực hiện mô hình ông nhận xét: Cá rô đầu vuông có ưu điểm vượt trội là tốc độ sinh trưởng nhanh hơn rất nhiều so với các loài cá khác như cá rô đồng, cá trắm, cá chép. Góp phần rút ngắn thời gian nuôi còn 3 - 4 tháng so các đối tượng nuôi truyền thống khác phải nuôi từ 5 tháng đến 1 năm mới cho thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu tư.
Tuy nhiên khi bắt tay vào nuôi, ông Ngọc chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra sử dụng hoàn toàn là thức ăn công nghiệp mà giá thức ăn công nghiệp lại cao nên chi phí thức ăn tương đối lớn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên sau 4 tháng nuôi, trên diện tích 1.000 m2 ông đã thu được gần 1,5 tấn cá thương phẩm. Với giá bán cho thương lái ngay tại hồ bình quân 45.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận cho gia đình hơn 16 triệu đồng. Đồng thời do thời gian nuôi ngắn nên tạo điều kiện quay vòng vốn nhanh.
Từ kết quả mô hình cho thấy, việc nuôi thương phẩm cá rô đồng đầu vuông theo phương pháp công nghiệp có nhiều ưu điểm như: chu kỳ nuôi ngắn, vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao. Trong quá trình nuôi, thức ăn của cá có thể tận dụng từ nguồn cá tạp có sẵn ở địa phương xay nhuyễn và thức ăn công nghiệp. Mật độ thả khoảng 10 - 15 con/m2, sau 3 - 4 tháng nuôi có thể cho trọng lượng 6 - 8 con/kg.
Bà Lê Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mỹ đánh giá, mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Đặc biệt là những hộ có điều kiện đầu tư, ao hồ chủ động cấp thoát nước thì có thể chọn cá rô đầu vuông để thay thế các đối tượng cá truyền thống. Đồng thời, mô hình thực hiện thành công đã thúc đẩy người nông dân biết phát huy khả năng nuôi tốt các đối tượng nuôi mới, góp phần tạo ra sản phẩm có gía trị kinh tế cao, tăng năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích nuôi, giúp cho người nuôi cải thiện kinh tế đời sống hộ gia đình. Đây là mô hình có thể nhân rộng trên địa bàn xã Gio Mỹ cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã