Ai muốn vào thăm trang trại của gia đình chị Vân đều phải qua khâu vệ sinh, sát trùng để ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào đàn gà. Phía trước cổng vào có một thau nước to, trong đó hòa thuốc sát trùng, để khách muốn tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi rửa chân, tay trước khi vào.
Bên trong trang trại là khu nhà chăn nuôi được xây dựng quy mô, hầu như cách ly hẳn với môi trường bên ngoài; xung quanh chuồng trại được bao bọc cẩn thận bằng hệ thống tường vây cao vút. Lúc nào ở trang trại cũng có 6 - 7 công nhân túc trực làm việc với mức lương khác nhau, người dọn vệ sinh, cho gà ăn, lấy trứng… thì từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng, còn kỹ thuật viên (chuyên viên thú y) 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Vân cho biết: “Năm 2006, gia đình chăn nuôi lợn thịt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2009, gia đình tháo bỏ chuồng lợn chuyển sang nuôi gà theo kiểu khép kín với mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng, bao gồm các trang thiết bị, con giống vận chuyển từ miền Nam hoặc đặt mua ngoài Hà Nội. Nuôi gà lấy trứng không khó, chỉ cần làm tốt khâu chọn giống cũng như khâu theo dõi tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ là có thể cầm chắc tới 70% thành công”.
Để có trang trại gà đạt quy chuẩn như hôm nay, chị Vân đã mất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo, internet, rồi đi thực tế các trang trại học tập kinh nghiệm để về áp dụng. Lúc đầu gia đình chị chỉ nuôi 1.000 con, sau một thời gian mua thêm 5.000 con, tới nay số gà đẻ đã lên tới 10.000 con. Mỗi ngày đàn gà cho khoảng 8.500 - 9.000 quả trứng, với giá bán 2.600-3.300 đồng/quả, gia đình có khoản thu tương đối lớn.
Hiện, gia đình chị Vân chủ yếu nuôi gà Ai Cập, gà Pháp; cả 2 loại gà này đều có thời gian đẻ kéo dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ lúc gà nở ra khỏi trứng đến lúc đẻ là 20 tuần tuổi; đến tuần thứ 17 thì phải cho gà lên sàn, khoảng cách nuôi trong sàn là 40 x 40cm (nuôi 4 con). Thời gian cho gà ăn cũng khá đặc biệt, sáng cho ăn từ lúc 5 giờ, chiều tầm 14-15 giờ cho ăn tiếp.
Nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất trứng nên mùa hè phải làm mát cho gà bằng mái che, chạy quạt mát… Còn mùa đông phải dùng lò sưởi ấm hoặc dùng bóng điện 250W để gà khỏi lạnh, nhiệt độ thích hợp cho gà đẻ là 30 độ C.
Chị Vân chia sẻ thêm: “Với 10.000 con gà đẻ như hiện nay thì mỗi ngày phải có trên 80% số gà đẻ thì gia đình mới có lãi. Nuôi gà theo kiểu khép kín có thể kiểm soát được bệnh dịch, thuận tiện cho khâu chăm sóc, quản lý; cần cách ly và cho uống thuốc phòng ngay khi thấy gà có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 1 tỷ đồng/năm”.
Chăn nuôi gà lấy trứng theo công nghệ khép kín đang mang lại thu nhập cao cho gia đình chị Vân, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong vùng. Mặc dù mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa áp dụng rộng rãi ở xã Yên Trường do vốn đầu tư lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Rất mong chính quyền địa phương, các ban ngành tạo mọi điều kiện hỗ trợ vốn chăn nuôi cho bà con phát triển sản xuất.
M. Thượng-N. Quỳnh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã