hi phí giảm, thu nhập tăng
Những ngày giáp tết, nhiều vườn cà phê ở các huyện Tuy Đức, Đăk Rlấp, Đăk Song, Đăk Glong, Krông Nô... không chỉ rộn ràng cảnh thu hái cà phê, mà bà con nông dân còn bận rộn xuất bán gà thả vườn cho thương lái. Rất nhiều xe hàng từ TP.HCM, Đồng Nai tìm đến các vườn cà phê ở Đăk Nông để thu mua gà sống.
Ông Đào Văn Xuyên nuôi gà trong vườn cà phê. Ảnh: C.K
Ông Hoàng Xuân Trường - cán bộ tư vấn của Dự án 3M cho biết, các giống gà J-Dabaco, gà Japfa rất phù hợp với điều kiện, khí hậu của Đăk Nông, có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống gà địa phương, được nông dân hưởng ứng, nhân rộng. Đến nay Dự án 3M đã triển khai tới hàng trăm hộ nông dân tại các huyện Tuy Đức, Đăk Rlấp, Đăk Song, Đăk Glong và Krông Nô, giúp bà con có lợi nhuận cao.
|
Có mặt tại vườn cà phê của gia đình ông Đào Văn Xuyên ở thôn Tư, xã Quảng Tính, huyện Đăk Rlấp, chúng tôi chứng kiến dưới tán cà phê là những con gà ta đủ màu sắc đang nhởn nhơ bới đất tìm mồi. Ông Xuyên cho biết, gia đình có 1,5ha cà phê, trước đây chỉ độc canh cây cà phê, lợi nhuận rất bấp bênh, nhiều vụ giá bán cà phê ở mức dưới giá thành nên bị thua lỗ.
Sau nhiều lần được Dự án “Phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đăk Nông” (Dự án 3EM) đưa đi tham quan và tập huấn về các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, ông Xuyên bắt tay vào nuôi gà thả vườn dưới tán cây cà phê. Giống gà ông Xuyên nuôi là gà J Dabaco, được Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco phục tráng từ giống gà ri truyền thống, nhưng được chọn tạo để có trọng lượng lớn hơn và thời gian sinh trưởng nhanh hơn.
Ông Xuyên cho biết, nuôi gà trong vườn cà phê có nhiều ưu điểm như tận dụng phân, chất thải bón trực tiếp cho cây cối, gà lại vặt cỏ ăn nên không phải dọn vườn, giảm chi phí đầu vào. Mặt khác, gà có tập tính bới đất tìm sâu bọ nên đất tơi xốp tốt cho cây, còn gà được tán cà phê che mát nên cũng ít bệnh hơn. Trước kia chưa nuôi gà, mỗi năm nhà ông Xuyên phải chi 60 triệu đồng tiền phân bón cho 1ha cà phê, nhưng từ khi nuôi gà, ông chỉ mất 17-18 triệu đồng mỗi năm để mua phân bón vô cơ.
Vịn tay vào cành cà phê mọng những trái chín, ông Xuyên nhẩm tỉnh, năm nay dự trù ông thu hoạch hơn 6 tấn cà phê (1,5ha), với giá hiện tại 44,5 triệu đồng/tấn. Trừ tiền thuê lao động, phân bón, chi phí tưới nước, ông còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Bình quân một năm, ông Xuyên nuôi 10 lứa gà dưới tán cà phê, mỗi lứa 1.000 con, sau khoảng 4 tháng chăm sóc, gà đạt trọng lượng 2 - 2,2 kg/con là có thể xuất bán. Với giá gà khoảng 70.000 đồng/kg, năm 2016, gia đình ông Xuyên xuất bán 20 tấn gà, doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Để phát huy hiệu quả kinh tế, ông Xuyên luôn nuôi gối đầu theo từng đợt. Quy trình chăm sóc gà khá đơn giản, ban ngày thả ra vườn, tối chúng tự động về chuồng. Trong 20 ngày đầu tiên, gà được cho ăn cám công nghiệp, giai đoạn sau cho ăn cám trộn bắp xanh, 2 tháng cuối thì chỉ cho ăn ngô. Hiện nhà ông phải trồng 5 sào ngô làm thức ăn cho gà. Sau mỗi đợt nuôi, ông Xuyên lại thuê người về phun thuốc và rắc vôi sát khuẩn, vệ sinh chuồng sạch sẽ rồi mới thả lứa tiếp theo.
Sản xuất bền vững nhờ làm ăn theo nhóm
Ông Xuyên cho biết, ông hiện là xã viên của HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở xã Quảng Tính, nơi có nhiều hộ cũng tham gia mô hình chăn thả gà dưới tán cà phê. Việc chăn nuôi gà rất thuận lợi vì được HTX bao tiêu toàn bộ cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, HTX đứng ra mua con giống và cám công nghiệp từ các nhà máy của Công ty Japfa hoặc Dabaco đưa về cung cấp cho các hộ gia đình. Toàn bộ gà xuất chuồng được HTX ký hợp đồng với các doanh nghiệp để tiêu thụ.
Ông Bùi Văn Ánh - Giám đốc HTX cho biết, Tết Nguyên đán này, HTX sẽ bán ra thị trường khoảng 10.000 con gà. Với sự tư vấn và hỗ trợ từ Dự án 3EM, HTX đã tập hợp được gần 100 hộ chăn nuôi, chia thành 4 nhóm nuôi gà, lợn, dê, bò. Các vật nuôi này đều được chăn thả dưới tán vườn cà phê, điều. Riêng nhóm nuôi gà có hơn 30 hộ tham gia, chăn nuôi các giống gà lai chọi, gà Ji lai Dabaco, gà thả vườn Japfa và được HTX bao tiêu sản phẩm.
“Để có được thành công như hiện nay, ngoài việc chủ động con giống, các hộ còn trợ giúp nhau về ngày công tiêm phòng, cắt móng cho đàn gà... Các nhóm hộ cùng nhau cộng tác, rất gần gũi, nhờ đó đã kết nối sản xuất theo chuỗi, có định hướng chiến lược rất rõ ràng từ con giống đến đầu ra. Trung bình mỗi tháng HTX xuất bán 3.000 con gà thịt cho một số doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai…” – ông Ánh nói.
Ở xã Đăk NDrung, huyện Đăk Song cũng đã có nhiều nông dân làm giàu nhờ nuôi gà dưới tán cà phê. Năm 2010, anh Nguyễn Xuân Phúc tham gia vào đội ngũ cộng tác viên khuyến nông của xã Đăk NDrung. Sau nhiều lần được đi tham quan và tập huấn về các mô hình chăn nuôi có hiệu quả do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, thấy mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả, anh đã thử nuôi. Hiện mỗi năm anh nuôi 6 - 7 lứa gà, mỗi lứa hơn 2.000 con. Anh Phúc cho biết, trước đây, do nuôi theo phương pháp truyền thống nên phải mất 6 tháng mới bán được 1 lứa gà, thu nhập chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Còn bây giờ, gia đình anh chỉ nuôi khoảng 3 tháng dưới tán cà phê là gà đã đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg/con, bán với giá bình quân 65.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu về hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng việc bán phân gà dư thừa với khoảng 1.000 bao/đợt, giá 35.000 đồng/bao, anh đã thu về hơn 40 triệu đồng.
Theo Chu Khôi/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã