Mô hình “Sử dụng men tiêu hóa sống trong chăn nuôi lợn” do Trạm Khuyến nông huyện Bình Xuyên phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ phát triển chăn nuôi thực hiện từ năm 2013. Đến nay, người dân ở thị trấn Hương Canh vẫn hưởng ứng sử dụng men tiêu hóa sống cùng với thức ăn chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở tổ dân phố Vam Dộc. Năm 2013, bà đi tập huấn ở UBND thị trấn và biết đến loại men tiêu hóa sống này. “Dùng thử nghiệm, thấy phân khô xốp, mùi hôi thối giảm bớt, hệ thống chuồng trại bao quanh nhà không còn ảnh hưởng như trước đây”, bà Hồng cho biết.
Chuồng lợn bao quanh nhà bà Hồng giảm mùi ô nhiễm nhờ dùng men tiêu hóa sống
Chia sẻ kinh nghiệm, bà bảo: "Trộn thức ăn theo tỷ lệ 1 thìa cafe men sống với 4 kg cám ăn thẳng, rồi hòa với nước cho lợn ăn. Tuy nhiên, tùy vào cân nặng cũng như thời gian sinh trưởng của lợn mà thức ăn được điều chỉnh cho phù hợp. Lợn xách tai mang về nuôi ăn 200 gram cám/con/bữa, có khi lên tới 400 gram cám/con/bữa khi lợn phát triển lớn".
Để đảm bảo cho lợn sinh trưởng tốt và nhanh xuất chuồng, mỗi ngày bà Hồng cho lợn ăn 4 bữa, theo từng giờ 7 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 22 giờ. Ba bữa đầu, thức ăn là cám gạo, bột ngô nấu trộn với men sống. Bữa phụ lúc 22 giờ, cho lợn ăn cám tổng hợp.
Mỗi con lợn nuôi từ khi "xách tai" đến khi xuất bán khoảng 4 tháng, đạt trọng lượng 90 - 100 kg, tiêu tốn 1 kg men sống.
Ngoài việc làm tốt chế độ thức ăn, bà Hồng cũng đảm bảo môi trường thuận lợi, thoáng mát cho lợn sinh trưởng. Mùa hè, quạt mát sử dụng triệt để, mùa đông che chắn bạt cẩn thận, tránh lợn nhiễm rét. Hệ thống chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, ngăn ngừa dịch bệnh. Sau một lứa lợn xuất bán, việc vệ sinh chuồng trại được tiến hành rửa chuồng bằng nước đun sôi, quét vôi, phun khử trùng bằng thuốc Benkocid hoặc Haliotis. Sau đó, để chuồng trại khô ráo 10 - 15 ngày thì thả lứa lợn mới.
Với kinh nghiệm hơn 3 năm nuôi lợn dùng men sống, bà Trần Thị Lan ở Tổ dân phố Nội Giữa cho hay, trước đây gia đình xử lý hầm biogas nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để ô nhiễm. Khi sử dụng men tiêu hoá sống cho lợn ăn, mùi hôi thối giảm rõ rệt.
Bà Lan cũng cho biết thêm, sử dụng men tiêu hoá sống trong thức ăn cho lợn giúp cung cấp các vi sinh vật có lợi, thức ăn được tiêu hóa triệt để, không còn chất dư thừa nên phân xốp, mùi hôi thối giảm. Ngoài ra, lợn sinh trưởng, phát triển tốt, quy trình chăn nuôi giảm thiểu 10 - 15 ngày nhờ lợn ăn khỏe, hấp thu tốt và đạt trọng lượng xuất bán.
Bà Trần Thị Lan tiến hành vệ sinh chuồng trại thường xuyên, 3 lần/ngày
Bên cạnh đó, lợn sử dụng men sống giúp ngăn ngừa và hạn chế các bệnh tiêu chảy, thừa chất và phù đầu. “Khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển đổi chuồng trại, lợn có dấu hiệu bị tiêu chảy, chỉ cần tăng lượng men sống, giảm thiểu thức ăn sẽ ngăn chặn được bệnh tiêu chảy ở lợn”, bà Lan chia sẻ.
Ông Trần Đình Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hương Canh cho biết: Sử dụng men vi sinh bổ sung vào thức ăn, mùi hôi chuồng trại chăn nuôi giảm đến 60%. Men tiêu hoá sống trộn vào thức ăn cho lợn ăn hàng ngày giúp lợn tiêu hoá và hấp thu triệt để thức ăn, phân thải ra không còn lượng thức ăn dư thừa nên giảm mùi hôi thối rõ rệt.
Ông Độ chia sẻ, nuôi lợn ở 60 hộ thí điểm trong 2 đợt, đến nay các hộ chăn nuôi trên địa bàn vẫn tiếp tục sử dụng men sống. Thấy hiệu quả chăn nuôi cao nên hầu hết các hộ chăn nuôi lợn ở thị trấn đều sử dụng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Đỗ Thùy Mỵ
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã