Mặc dù đã về hưu, nhưng ông Thịnh vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, sống dựa vào đồng lương hưu nên sau khi nhận thêm được một khoản hơn 100 triệu đồng tiền chế độ, ông Thịnh đã rất trăn trở: không biết nên gửi tiết kiệm hay đầu tư vào kinh doanh. Cuối cùng, ông đã quyết định đầu tư toàn bộ vốn liếng có được trên vào nuôi lợn rừng.
Khi được hỏi về lí do tại sao lại quyết định đầu tư vào con lợn rừng mà không phải là nuôi lợn, hay gà bình thường, ông Thịnh cho biết: “Tôi suy nghĩ khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập vào. Với công nghệ cao của họ mình theo không được, họ sản xuất ra 1 kg thịt lợn hay 1 kg thịt gà chi phí không đáng bao nhiêu nên giá bán ra rất rẻ, vì thế nuôi gà hay lợn bình thường sẽ rất khó cạnh tranh.”
Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông Thịnh đã quyết định nuôi lợn rừng để lấy vốn và từ số vốn đó, ông sẽ hàn lồng để thả cá. Xuất thân từ một người lính cái gì cũng có thể làm được. Nên chỉ trong 2 năm, tiền lãi từ nuôi lợn rừng ông Thịnh đã dành dụm được khoảng 1 tỉ đồng, cộng với hỗ trợ 600 triệu đồng của tỉnh, ông đã có đủ vốn để hàn 40 lồng cá và mua giống, thực hiện ước mơ bấy lâu của mình.
Chi phí để hàn mỗi lồng được ông Thịnh cho biết vào khoảng 30 triệu đồng/lồng, với kích thước mỗi lồng 6m x 6m và sâu 3m, nên chi phí ban đầu với 40 lồng cá đã mất khoảng 1,2 tỉ đồng. Mỗi lồng cho năng suất tối đa là 5 tấn cá và được nuôi gối liên tục, cứ hết lồng này xuất đi thì một thời gian lại tới lồng khác. Tuy nhiên, một mình ông Thịnh không thể nuôi hết cá trong 40 lồng nên ông đã chia sẻ với một người khác để cùng sản xuất.
Tới bây giờ, ông Thịnh cũng đã thả cá được 10 tháng, mẻ cá đầu tiên sau 5 tháng thu được hơn 40 tấn, nhưng cá bán trước Tết không được giá nên ông chỉ bán một nửa với mức trung bình 30.000 đồng/kg. Số tiền thu về từ 20 tấn cá đầu tiên sau khi trừ đi vốn giống (tiền giống 40 triệu đồng/lồng và tiền thức ăn là 10 triệu đồng/lồng) và một số chi phí khác, ông thu lãi khoảng 350 - 380 triệu đồng.
Giá rẻ quá nên tiếc, ông muốn để qua tháng Giêng sẽ bán nốt 20 tấn cá còn lại, vì theo ông Thịnh, đấy là thời điểm ao đất không lên cá nữa, bắt đầu mưa rào thì cá sẽ đắt do người dân không tát được ao, thì lúc ấy mình nhấc lồng lên bán. Cá sẽ phải chênh nhau chục giá, hơn chục giá nữa. Và quả thực, mẻ cá sau đó ông Thịnh bán được với giá 40.000 đồng/kg, lãi hơn mẻ trước thêm 150 triệu đồng nữa.
Ông Thịnh quan điểm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, làm được đến đâu thì làm chứ không muốn mở mang phát triển bằng cách đi vay mượn. Vì vậy, thời gian đầu chưa xoay vòng được vốn, hàng tháng, tiền lương hưu được 11 triệu đồng ông Thịnh lại dồn hết vào mua cám bã nuôi cá.
Do được xã quan tâm nên ông Thịnh khá yên tâm về đầu ra của con cá vì có khá nhiều thương lái đến thu mua.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ cửa hàng cá ở Từ Sơn, Bắc Ninh cho hay: “Nguồn cá của ông Thịnh rất ổn định, giá cũng không biến động quá nhiều. Cá nuôi trên sông nên dù nuôi công nghiệp thì khách ăn vẫn thích hơn so với cá nuôi trong đầm, trong ao.”
Anh Nguyễn Phụng Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Chi cho biết, mô hình nuôi cá của ông Thịnh là một mô hình điển hình cần nhân rộng của xã. Nó không chỉ đem lại nguồn thu lớn mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, cải thiện đời sống nhân dân.
Thế Hưng/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã