Vợ chồng ông Đoàn Việt Quang bên ngôi nhà mới xây. |
Ông Quang cho biết, gia đình ông canh tác 2 ha đất, trong đó có 1,1 ha đất trồng lúa, còn lại 0,9 ha (9.000 m2) đất là vườn cây tạp. Đất sản xuất của gia đình ông có đặc điểm là đất gò cao, đồng nhỏ hẹp, trồng lúa năng suất rất bấp bênh. Những năm thất mùa do thiên tai, lũ lụt, gia đình coi như mất trắng, còn vườn cây tạp cho thu nhập không cao, nên cuộc sống gia đình quanh năm luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2000, khi Nhà nước đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao chống lũ bảo vệ sản xuất và khu dân cư, đồng thời khuyến khích nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản theo mô hình "chung sống với lũ", ông Quang quyết định chuyển đổi toàn bộ 2 ha đất canh tác lúa và vườn cây tạp sang trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao, giống Ri6 và Mongthong.
Theo ông Quang, sầu riêng Ri6 và Mongthong có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đầu ra thuận lợi, nhưng để bảo đảm thành công, nhà nông cần quan tâm học hỏi và ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật thâm canh trong các khâu, từ làm đất, quy hoạch vườn, chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như xử lý để cho trái rải vụ, để tránh tình trạng "trúng mùa, mất giá",...
Với 2 ha đất, ông Quang trồng được khoảng 400 cây sầu riêng, mật độ trồng 20 cây/1.000 m2 (0,1 ha). Sầu riêng trồng được 5 năm tuổi trở đi đã cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân khoảng 20 tấn quả/ha. Trung bình mỗi năm, ông Quang thu hoạch đạt sản lượng 40 tấn quả, bán giá trung bình 50.000 đồng/kg, gia đình ông đạt giá trị sản xuất 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi ròng không dưới 1,5 tỷ đồng/năm. Từ một nông dân nghèo, sau vài năm gắn bó với cây ăn quả đặc sản, gia đình ông Quang đã đổi đời, trở thành tỉ phú sầu riêng miệt vườn vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang. Mới đây, ông đã xây được một căn biệt thự khang trang giữa khu vườn sầu riêng xanh tốt.
Theo ông Quang, sầu riêng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất bãi bồi phù sa ven sông Tiền màu mỡ, đầu ra của sản phẩm lại thuận lợi, bởi là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, để thành công, nhà vườn cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh, kể cả xử lý rải vụ, để thu hoạch bán được giá cao. Thông thường, sầu riêng vụ nghịch thu hoạch từ độ tháng 10 âm lịch trở đi đến tháng 3 âm lịch năm sau mới bán được giá cao. Có năm, giá sầu riêng đạt 110.000 đồng/kg. Còn thời điểm hiện nay, sầu riêng Tiền Giang đang bắt đầu vào vụ nghịch với giá thu mua từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg tùy thời điểm. Vườn sầu riêng của ông Quang dự kiến sẽ thu hoạch rộ trong vài tháng nữa.
Ngoài ra, ông Quang còn là một điển hình về chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Long Tiên, đặc biệt là góp tiền, của, quỹ đất để hoàn thiện kiến thiết hạ tầng, giao thông, thủy lợi theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Vừa qua, ông đã tự nguyện hiến 200 m2 đất làm đường nông thôn trên địa bàn ấp Mỹ Thuận, nhờ vậy, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương trong vùng, việc tiêu thụ nông sản hàng hóa - đặc biệt là sầu riêng, nông sản chủ lực của địa phương được dễ dàng, bán được giá cao, nông dân rất phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Long Tiên đánh giá cao mô hình trồng sầu riêng nhằm "chung sống với lũ" của ông Đoàn Việt Quang, cách làm của ông Quang được địa phương nhân rộng trong toàn xã. Hiện nay, sầu riêng đang trở thành cây ăn quả chủ lực làm giàu cho xã Long Tiên, vốn là vùng căn cứ kháng chiến chống đế quốc Mỹ vững chắc trước đây, từng chịu đựng bom đạn quân thù hết sức nặng nề, đang chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, để làm giàu cho nông dân, đổi mới nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương tái cơ cấu sản xuất trên vùng ngập lũ.
Minh Trí/baotiengiang.com.vn