Ba năm trước, TP. Hồ Chí Minh có chưa quá 100 cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ (organic), với sản phẩm giới hạn trong vài loại rau quả tươi sống hay hóa mỹ phẩm nhập khẩu, giá bán cao gấp nhiều lần cùng loại bình thường. Đến nay, thực phẩm organic đã có mặt tại nhiều siêu thị với tên tuổi của những DN sản xuất kinh doanh uy tín như Saigon Co.op, Ba Huân, Vinamilk, Vinamit, VinGroup…
Ảnh minh họa |
Đầu tư sản xuất sản phẩm organic hiện đang bùng nổ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Liệu người dân có thể sẽ có một nguồn thực phẩm mới chất lượng cao bền vững trong tương lai, hay đây chỉ phát triển phong trào như trước đây?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam hiện nay đạt trên 76.000 ha, là một trong 10 quốc gia tại khu vực châu Á có đất phát triển nông nghiệp hữu cơ lớn nhất. Ở các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn là lĩnh vực của vài công ty nhỏ lẻ mà có sự tham gia của nhiều DN tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất hàng thực phẩm.
Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, trong tháng 4/2017 Công ty Ba Huân đã đưa vào hoạt động nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội), với tổng diện tích nhà máy trên 2 ha, vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.
Thiết bị xử lý trứng gia cầm (rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, tráng lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng, in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng, cân trọng lượng và đóng gói…) được công ty nhập khẩu từ Hà Lan.
Đây là sự đầu tư lớn của công ty, nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch từ thịt, trứng gia cầm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt. Để đi đến đầu tư nhà máy này tại miền Bắc, Công ty Ba Huân đã có thời gian rất dài đầu tư và hoàn thiện chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, với trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao, quy mô 18 ha, tổng đàn 1 triệu con từ các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại tỉnh Bình Dương, nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại TP. Hồ Chí Minh, nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày và trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao, quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con ở tỉnh Long An.
Trước đây vài năm Công ty cổ phần Vinamit đã đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây được xem là công ty tiên phong đầu tư bài bản vào dòng sản phẩm hữu cơ. Đến nay, nhiều DN tên tuổi như Vinamilk, Nutifood, Thành Thành Công, Sài Gòn Co.op, Vingroup… đã đầu tư trang trại sản xuất sản phẩm hữu cơ theo nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, ghi nhận từ thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện nay, vẫn còn rất ít hệ thống cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm hữu cơ được sản xuất trong nước. Và chủng loại sản phẩm cũng chưa nhiều, chỉ khoảng 20 – 30 loại rau củ quả, gia vị, sữa… Còn lại rất nhiều loại khác như nước giải khát (hoa quả ép, mật ong, tinh bột gia vị như nghệ, gừng, tỏi, dầu dừa...) hóa mỹ phẩm (sữa dưỡng da, dầu gội…) đều là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…
Với sự đầu tư hiện nay của nhiều DN lớn, người tiêu dùng kỳ vọng, từ năm 2017 này sản phẩm thực phẩm hữu cơ sẽ đa dạng chủng loại hơn. Có thể thấy từ các thương hiệu DN đang sản xuất nông sản hữu cơ thì đã có sản phẩm gạo, cà phê, sữa, đường, rau quả, trái cây đóng hộp (nước dừa, vải, nhãn…) hay trái cây sấy khô, sấy dẻo… của Việt Nam.
Vấn đề còn lại là giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã có mặt từ lâu tại thị trường Việt Nam hoàn toàn không giống nhau. Theo chuyên gia từ Công ty Vinamit, sản xuất hữu cơ khó hơn rất nhiều từ đất, phân bón, nguồn nước tưới, đặc biệt năng suất sản xuất nông sản hữu cơ thấp hơn sản xuất VietGAP từ 25% - 40%, khi sản phẩm thành phẩm vẫn chịu sự giám sát, truy nguồn gốc chặt chẽ. Vì vậy, giá sản phẩm hữu cơ luôn cao hơn giá sản phẩm VietGAP và loại thông thường.
Theo Thanh Thanh//thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã