Sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công lớn đang khiến cho diện tích nuôi tăng nhanh, từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra triển vọng cho ngành tôm Cà Mau đạt được những mục tiêu to lớn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, so với cuối năm 2016, diện tích nuôi tôm công nghiệp giảm, tuy nhiên diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh, hiện tại đã có 570 hộ nuôi, với hơn 675ha, trong đó ao nuôi khoảng 250ha; năng suất thu hoạch khoảng 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 85%. Điều này đã tạo nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau. Ảnh: Thắng Ngọc |
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chính sản lượng từ nuôi tôm siêu thâm canh đã đóng góp khá lớn vào tăng trưởng của ngành tôm Cà Mau, đưa tổng sản lượng tôm nuôi trong 9 tháng qua đạt hơn 113.000 tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 66% kế hoạch.
Nguồn nguyên liệu dồi dào, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tăng cao công suất. Chín tháng vừa qua, xuất khẩu tôm của Cà Mau đã đạt hơn 750 triệu USD, đạt gần 70% kế hoạch, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Với đà tăng này khả năng sẽ đạt trên 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản.
Trong số các địa phương của tỉnh Cà Mau, huyện Phú Tân hiện là một trong những nơi có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lớn của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện vượt so với kế hoạch. Trong đó tiêu biểu là sản lượng tôm đạt trên 80%. Trong đó, một phần không nhỏ chính là nhờ vào đóng góp từ hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Diện tích nuôi siêu thâm canh tăng lên nhanh chóng, hiện có khoảng 200ha diện tích với 117 hộ thả nuôi.
Hộ ông Nguyễn Văn Tuần ở ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân là một điển hình, với 2 ao nuôi tôm siêu thâm canh (diện tích hơn 2.000 m2), bước đầu đã mang lại hiệu quả lớn.
Nói về kỹ thuật nuôi, ông Tuần cho biết, để cải tạo ao nuôi theo quy trình kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, trong đó, thiết kế 2 ao nuôi, một ao có diện tích 1.000m2 và một ao có diện tích hơn 1.000m2; một ao dèo tôm giống, với diện tích 200m2; ao lắng thô, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao xử lý nước thải với tổng diện tích gần 8.800m2…
Đối với ao nuôi, ao dèo tôm giống đều lót bạc. Riêng ao nuôi ông Tuần dùng lưới che kính phía trên cách mặt ao khoảng 1,5 m. Riêng ao dèo tôm giống, ngoài việc dùng lưới che phía trên, ông Tuần còn dùng tấm nilon phủ kín trên mặt lưới ngăn nước mưa xuống ao làm giảm độ mặn của nước trong ao dèo. Tôm giống đem về thả vào ao dèo trong thời gian khoảng 1 tháng trở lại mới thả xuống ao nuôi.
Ảnh: Thắng Ngọc |
Với cách làm trên, trong vụ tôm vừa qua gia đình ông Tuần đã thu hoạch được 9 tấn tôm/1.000m2. Thời gian nuôi hơn 3 tháng, tôm đạt trọng lượng bình quân 33 con/kg. Với cỡ tôm này ở thời điểm thu hoạch vụ tôm vừa rồi có giá khoảng 160.000/kg, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Qua thực tế cho thấy, rào cản hiện nay của người dân khi triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Do đó, để phát triển rộng mô hình này, đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân để chia sẻ công nghệ nuôi tôm.
Riêng ở tỉnh Cà Mau đã xuất hiện một số mô hình liên kết, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp với người nuôi theo hình thức doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi tiếp cận vốn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đầu vào… Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và thương mại Một thành viên Việt Mỹ (Công ty Việt Mỹ) đã tiên phong liên kết với nhiều nông dân triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín”.
Quy trình này được ngành chuyên môn đánh giá là khá an toàn cho vùng nuôi khi nước trước khi lấy vào ao nuôi đã được xử lý vi sinh đạt các thông số kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, nguồn nước được đưa trở ra hệ thống ao lắng, ao lọc và xử lý triệt để rồi mới đưa trở lại vào ao cấp, ao nuôi. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện của người nuôi mà công ty liên kết đầu vào một phần hoặc toàn phần, từ vật tư trang bị ao nuôi, vi sinh xử lý nước, con giống, thức ăn, kể cả việc thu mua tôm nguyên liệu khi thu hoạch…
Ông Nguyễn Văn Dững (xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau) là một trong những hộ liên kết với Công ty Việt Mỹ, chia sẻ, gần 10 năm nuôi tôm công nghiệp tôi thấy tỷ lệ rủi ro quá lớn, trúng được vài vụ đầu tiên, còn lại phải “treo ao”. Năm vừa qua, tôi và Công ty Việt Mỹ liên kết đầu tư theo hình thức toàn phần. Nhờ nuôi theo quy trình “tuần hoàn nước khép kín” nên đạt chỉ số an toàn cao vì kiểm soát được nguồn nước, ô nhiễm và dịch bệnh… Hiện có nhiều hộ dân khác đã liên kết nuôi theo mô hình này.
Ảnh: Thắng Ngọc |
Hình thức nuôi siêu thâm canh đang phát triển khá nhanh, bởi hiệu quả sản xuất khá cao cả về năng suất và tính ổn định của nghề nuôi. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng, vì đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên, nhiều bài học từ thực tế đã qua vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành tôm Cà Mau. Đó chính là phát triển manh mún, rất khó kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, làm lãng phí đầu tư hạ tầng, để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra thực tế. Cho thấy, phần lớn số hộ được kiểm tra vẫn chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết khi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh như: Chưa có khu xử lý nước thải, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm; có đầu tư khu xử lý nước thải, nhưng chưa đạt yêu cầu; hệ thống điện phục vụ nuôi tôm chưa đảm bảo an toàn. Thậm chí, có ao nuôi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; cũng có trường hợp hộ dân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng chưa nắm vững về quy trình kỹ thuật, những khuyến cáo, quy định về xử lý môi trường trong quá trình nuôi.
Ảnh: Thắng Ngọc |
“Nghiêm cấm các hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. Đây là một trong những vấn đề tiên quyết và quan trọng, vừa bảo vệ lợi ích người nuôi, vừa cho người xung quanh. Chính quyền địa phương cần thắt chặt hơn nữa trong công tác quản lý đăng ký đối với các hộ nuôi tôm theo mô hình này, kiên quyết không cấp phép cho nuôi đối với các hộ không đủ điều kiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, ông Nguyễn Chí Thuần cho biết, “đối với những hộ không đủ điều điện nhưng vẫn lén lút tiếp tục thả nuôi, địa phương đang tính đến phương án cắt điện đối với các hộ này”.
Nhằm tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đồng thời chấn chỉnh việc nuôi tôm có thể gây ô nhiễm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai nhanh nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phù hợp với tình hình thực tế. Yêu cầu các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào (Công ty CP, Việt - Úc, Việt Mỹ, Trúc Anh…) cho hộ nuôi tôm cam kết hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở NN-PTNT chấp nhận nhằm bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, bảo đảm không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện.
Ảnh: Thắng Ngọc |
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bạc Liêu: Tiếp tục nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn, tuy mới xuất hiện vài năm nay, nhưng rất có hiệu quả, hiện nay diện tích nuôi với hình thức này tại Bạc Liêu khoảng 50 ha. Tuy diện tích nuôi không nhiều nhưng đem lại sản lượng rất lớn, hiệu quả kinh tế cao. Nhà nước cùng với các ngành chức năng cũng đang ra kế hoạch xem xét tiếp tục hỗ trợ phát triển mô hình này. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh đã vượt so với kế hoạch, từ 20.500 ha nay đã tăng lên khoảng 22.000 ha. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh, kế hoạch khoảng 7.000 ha nhưng nay đã đạt 7.800 ha. Đối với hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp so với hàng năm thì thời tiết rất thuận lợi, đảm bảo được nguồn nước, vừa đảm nước cho cây lúa, vừa đảm bảo độ mặn của nước cho con tôm. NT |
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang: Đẩy mạnh nuôi tôm để bù đắp sản lượng lúa sụt giảm
Năm nay, ngành thủy sản của tỉnh khá thành công, sản lượng cả đánh bắt và nuôi trồng đều tăng. Riêng tôm nuôi nước lợ sản lượng cả năm ước đạt khoảng 64.000 tấn, vượt 1,3% so với kế hoạch và tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2016. Chính nhờ thủy sản tăng đã phần nào bù đắp được sản lúa của tỉnh bị sụt giảm. Vì năm lươhng thực 2017, tỉnh chỉ sản xuất được hơn 4 triệu tấn lúa, giảm hụt 468 ngàn tấn so với kế hoạch.
Các huyện như: Gò Quao, An Minh, Vĩnh Thuận... sản lượng lúa bị sụt giảm hàng chục ngàn tấn, do tình hình thời tiết bất lợi và dịch bệnh. Nhưng bù lại, tôm nuôi đều đạt và vượt kế hoạch, sản lượntg tăng thêm từ 500 – 1.000 tấn mỗi huyện. Nhờ đó, giúp ngành nông nghiệp giữ được chỉ tiêu tăng trưởng. Từ nay đến cuối năm, các địa phương cần tập trung thực hiện các chỉ tiêu đạt còn thấp, nhất là đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ để bù đắp sản lượng lúa bị sụt giảm.
Theo BẢO KHANH – TRỌNG LINH - NGỌC THẮNG/Báo Nông Nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã