Mục tiêu tất cả các thôn trong huyện có nghề
Với truyền thống là đất trăm nghề, Phú Xuyên từ lâu đã là điểm sáng về gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Với 124 làng có nghề/138 làng toàn huyện (chiếm 89%), trong đó có 37 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí thành phố với những nhóm nghề như sơn mài, khảm trai, mây giang đan, đồ gỗ, da giày... Phú Xuyên đang ngày càng khẳng định vị thế trong bức tranh kinh tế của Thủ đô.
Có thể nói, những sản phẩm của các làng nghề nơi đây đã tạo nên dấu ấn với bạn bè trong và ngoài nước. Nhiều loại hàng hóa đã được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản..., trong đó sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ với lịch sử 1.000 năm thăng trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, giờ lại tiếp tục được người dân nơi đây giữ gìn, phát triển, tạo nên sức sống bền bỉ của một làng nghề cổ.
Việc gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề truyền thống cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Theo báo cáo của UBND huyện Phú Xuyên, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 70% lao động nông thôn như làng nghề da giày xã Phú Yên, với trên 200 cơ sở sản xuất da giày (tập trung chủ yếu ở thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) thu hút khoảng 2.000 lao động của xã và hơn 1.000 lao động các vùng lân cận. Nghề truyền thống cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân, có xã số hộ giàu chiếm đến 70%.
Để phát huy thế mạnh của các làng nghề, huyện Phú Xuyên tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2010 - 2015, gắn với quy hoạch XDNTM. Hướng các làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, có quy mô, thị trường, địa phương sẽ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế, xây dựng văn hóa trong kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề thông qua các hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, Phú Xuyên sẽ hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; từng bước triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng trung tâm thương mại làng nghề tập trung; thành lập các quỹ tín dụng nhân dân tại các xã nghề để hỗ trợ vay vốn cho nông dân; phát triển mạng lưới giao thông… Phú Xuyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 13-15%/năm, thương mại - dịch vụ 11-14%/năm.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, lãnh đạo huyện Phú Xuyên đã đề ra 5 chương trình, 3 đề án, trong đó trọng tâm là chương trình xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011 - 2015 nhằm khôi phục, xây dựng và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; bảo đảm làng nghề phát triển một cách bền vững, bảo tồn, phát huy được các yếu tố truyền thống, sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ, nguồn nguyên liệu trong nước, ít gây ảnh hưởng đến môi trường; chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công có thế mạnh như: sơn mài, khảm trai, cỏ tế, da giày…; gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các làng nghề. Tăng tỷ lệ làng có nghề, làng nghề được công nhận theo tiêu chí của thành phố.
Theo ông Trương Thế Cầu, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, giai đoạn 2011 - 2015, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình phát triển làng nghề truyền thống với mục tiêu đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng 19,5 - 20,5%/năm, thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm trở lên, 50 làng nghề được công nhận theo tiêu chí thành phố, 100% số làng có nghề, tạo việc làm cho 2.500 lao động mỗi năm. Đặc biệt, quy hoạch 8 điểm làng nghề ở các xã xây dựng NTM, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề với tổng diện tích 60ha, trong đó điểm công nghiệp 30ha, giao thông làng nghề 10ha, các dự án xử lý chất thải 10ha… Riêng năm 2013, Phú Xuyên phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 7.301 tỷ đồng, tăng 8,39% so với năm 2012.
Ngoài ra, Phú Xuyên cũng đang tập trung cho chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, theo đó sẽ quy hoạch cụm, điểm công nghiệp làng nghề Đại Xuyên, diện tích 68,01ha; cụm công nghiệp Phú Xuyên 203,99ha và gắn các điểm công nghiệp này với quy hoạch xây dựng NTM, với cụm công nghiệp làng nghề của 10 xã.
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Mặc dù có nhiều thế mạnh về sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhưng Phú Xuyên cũng gặp không ít khó khăn bởi là huyện thuần nông; cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp chuyển dịch chậm, chưa đồng đều, thiếu vững chắc; hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu kém, không năng động nhạy bén, nhiều khâu dịch vụ hiệu quả thấp hoặc bị thua lỗ; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là ô nhiễm tại các làng nghề ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân...
Để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và tổ chức liên kết dịch vụ cũng hết sức quan trọng, ngoài việc góp phần giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thì mục tiêu hướng đến của huyện là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, đưa lao động nông nghiệp sang các ngành nghề, dịch vụ khác, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở cho việc hình thành phương thức sản xuất mới năng động, hiện đại, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, dần xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún mà vẫn không thay đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ dân. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư và làm tăng năng suất lúa. Qua thực tế triển khai mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất thấy, năng suất lúa tăng bình quân 5 - 10%, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể trong khi thời gian lao động thời vụ giảm.
Ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, mấu chốt để tiến hành cơ giới hóa đồng bộ là dồn điền đổi thửa. Để có thửa ruộng lớn, thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất, huyện chủ trương tiến hành phá bỏ các bờ ngang, thay vào đó là cắm mốc từng thửa ruộng cho các hộ dân. Toàn huyện hiện có 5 vạn hộ nông dân, 20 vạn thửa ruộng với 30 vạn bờ, đã giao được 5.526ha ruộng thực địa cho các hộ, xấp xỉ bằng 90% so với diện tích đã được phê duyệt. Trong đó có 9 xã đã giao xong 100% như Quang Lãng, Vân Từ, Văn Hoàng, Phú Túc, Tân Dân, Tri Trung, Đại Thắng, Chuyên Mỹ, Bạch Hạ.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy TP.Hà Nội về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao đời sống nông dân và XDNTM, huyện đã chỉ đạo quyết liệt những việc cần làm ngay để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, tập trung vào 4 nhóm giải pháp: tuyên truyền vận động cán bộ đảng viên và toàn dân chung tay xây dựng NTM; lập quy hoạch; huy động nguồn lực cho xã điểm; tiến hành dồn điền đổi thửa. UBND huyện thành lập Hội đồng thẩm định đề án xây dựng NTM, chỉ đạo các xã kiện toàn ban quản lý xây dựng NTM của xã, các tiểu ban của thôn. Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được huyện đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức như phát liên tục trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua, tập huấn cho cán bộ chủ chốt, in tờ rơi... Qua đó, nhân dân thấy được vai trò chủ đạo của mình trong xây dựng NTM nên đã tích cực tham gia. Đồng thời chỉ đạo 15 xã giai đoạn 1 (Đại Thắng, Phú Túc, Hồng Minh, Tri Trung, Hoàng Long, Phượng Dực, Văn Hoàng, Nam Phong, Hồng Thái, Nam Triều, Sơn Hà, Phúc Tiến, Đại Xuyên, Phú Yên, Quang Lãng) lập đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó, xã Đại Thắng được chọn làm điểm của Thành phố và huyện.
Ghi nhận những thành quả Đảng bộ và nhân dân Phú Xuyên đã đạt được, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao kết quả trong công tác XDNTM của Phú Xuyên. Qua đó, yêu cầu huyện Phú Xuyên cần chủ động hơn nữa để các hộ nông dân được thuê đất lâu dài, giúp họ yên tâm sản xuất, cùng nhau tháo gỡ và có cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cần chủ động có những đề xuất, kiến nghị để thành phố tiếp tục quan tâm; làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân. Huyện cần lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, chủ động giới thiệu sản phẩm làng nghề, nông đặc sản đến với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong xây dựng nông thôn mới, vấn đề cốt lõi cần phải quan tâm là giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp trong từng làng xã, phát huy dân chủ ở cơ sở, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc tiêu cực, tránh phát sinh thành điểm nóng, khiếu nại bức xúc kéo dài; tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trang trại, trồng trọt, chăn nuôi giỏi để chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Trâm Anh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã