Trước khi chuyển sang nghề nuôi cá chình bông, gia đình ông đã làm nhiều nghề phục vụ cho kinh tế gia
đình như: làm máy cày, máy xay xát nhỏ và làm máy tuốt lúa, nhưng kết quả đem lại thu nhập thì chưa đáng là bao. Vì vậy, ông Sự tự tìm tòi học hỏi chuyển sang nghề nuôi cá chình bông, giờ đây ông thật sự đã thoát nghèo, ông có tiền để lo trang trải cho gia đình, nhà cửa khang trang, bên cạnh đó nó còn đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Ông Sự cho biết, đầu năm 2012, ông đến với nghề nuôi cá chình bông trong một
lần tình cờ gặp một người bạn quen ở Thành phố Hồ Chí Minh, người bạn này hỏi: “Anh cần tài liệu nuôi cá chình bông không, tôi sẽ phô tô tài liệu này đưa cho anh vì tài liệu quy trình công nghệ này tôi học ở Nhật Bản”. Từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 hồ (bể) nuôi cá chình bông với diện tích 40m2 và được chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá chình bông trong quá trình nuôi.
Ông Sự cho biết cách xây dựng bể nuôi cá chình như sau: Bên trong tường của bể nuôi ông làm láng nhẵn lát gạch men, đáy bể tráng xi măng. Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 50cm, đồng thời có ống cấp nước đặt cách mặt bể 50cm, bể sau khi xây xong, ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần. Bên trên bể nuôi được thiết kế mái che lưới chống nắng nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi luôn ổn định, bổ sung vòi sục khí cách khoảng 2 m/vòi đảm bảo đủ lượng oxy hòa tan 5mg/l để cá chình bông phát triển tốt, nhanh lớn, sàn ăn có kích thước 60cm x 80cm (bố trí gần nơi thoát nước), bỏ ống nhựa vào bên trong hồ để làm chỗ trú ẩn cho cá chình bông.
Theo kinh nghiệm của ông Sự, cá chình bông phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25-270C, là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình bông là tôm, cá con, cá diếc, cá rô phi, cá mè loại nhỏ, ốc, giun, cá tạp, tôm, tép …, và động vật ở đáy và các vi sinh vật thủy sinh khi còn nhỏ. Trong đó, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn quế, những thức ăn này ông đem xay nhuyễn trước khi cho cá ăn, tỷ lệ sống rất cao có thể lên tới 90%. Trong quá trình nuôi nên giữ nguồn nước sạch, đảm bảo đủ hàm lượng oxy trong nước, thức ăn cá chình bông tuy đơn giản nhưng phải tươi, cần trộn thêm vitamin, men tiêu hóa. Cá chình bông ưa bóng tối, sợ ánh sáng ban ngày chúng chui rúc vào đáy ao, ban đêm ra ngoài kiếm ăn, nên thời gian cho cá ăn vào buổi tối từ 18 giờ đến 19 giờ hàng ngày.
Ông Sự cho biết: Hiện nay, việc cho sinh sản nhân tạo cá chình bông còn rất khó khăn, nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên. Ở Phú Yên, cá chình thường được đánh bắt ở Sông Ba (TP Tuy Hòa), Sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An).
Đến nay, ông Sự đã có 12 hồ nuôi, trong đó có 7 hồ nuôi cá chình bông thương phẩm và 5 hồ nuôi cá chình bông giống. Với giá bán mỗi con cá chình giống 25.000 đồng, hoặc bán theo cân thì 1.800.000 đồng/kg; giá cá chình bông thương phẩm loại 0,6-1 kg/con có giá bán 380.000 đồng/kg, loại từ 1-1,5 kg/con có giá bán 440.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí thì mỗi năm ông thu lợi nhuận khoảng từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ bán cá thương phẩm và bán cá giống.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm ông là những khách hàng ở các tỉnh Hải Phòng, Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu đến đặt mua cá chình bông của ông về làm giống và nuôi thương phẩm.
Nghe tin, ông sản xuất hiệu quả, nhiều người đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cá chình bông của ông. Ông Sự cho biết, nếu được chính quyền địa phương cho phép thì ông sẽ mở rộng mô hình này ngay trên ruộng của gia đình để làm thí điểm đối chứng xem thử khả năng phát triển của cá chình bông.
Mô hình nuôi cá chình bông của ông Trần Luật Sự đang trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong xã cũng như trong tỉnh và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Người chăn nuôi càng yên tâm hơn trong việc chọn nuôi cá chình bông khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những thuận lợi đó mô hình nuôi cá chình bông theo hướng tập trung sẽ được ứng dụng rộng rãi, nhằm giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông cần có sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong việc hỗ trợ vốn vay và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới các hộ nông dân, để từ đó mô hình nuôi cá chình bông được nhân rộng và góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Trần Nguyễn Lâm Viên
Nguồn Khuyến nông Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã