Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư huyện Phúc Thọ cho biết, năm 2012, Phúc Thọ mới bắt tay vào xây dựng NTM, trong khi đó hầu hết các huyện đều xây dựng NTM từ năm 2011, đây được xem là thời điểm khá muộn so với nhiều huyện khác.
Bên cạnh đó, Phúc Thọ còn được Thành phố quy hoạch là “vành đai xanh” của Thủ đô, với nhiều nhiệm vụ cùng lúc, để thúc đẩy phát triển kinh tế và hoàn thành kế hoạch, trong 5 năm qua, huyện Phúc Thọ đã nỗ lực vượt qua khó khăn và trở thành huyện điển hình với tinh thần sáng tạo, vượt khó trong xây dựng NTM.
Ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư huyện Phúc Thọ |
Từ tạo dựng niềm tin…
Xác định xây dựng NTM là một việc làm rất khó, do đi lên từ một huyện thuần nông nên bắt đầu từ năm 2012 huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt để xây dựng đề án xây dựng NTM-đây là khởi điểm quan trọng nhất và đề án này phải có nhân dân tham gia, xây dựng, góp ý. Nếu xây dựng đề án không tốt thì sẽ không có kinh phí và sẽ không phù hợp.
Theo đó trong thời gian rất ngắn huyện đã nhờ các cơ quan chức năng tham mưu và xây dựng đề án bài bản. Điểm đặc biệt là khi phê duyệt đề án huyện đã yêu cầu đích thân Chủ tịch xã báo cáo, chỉ rõ khu vực nào phù hợp để quy hoạch, chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa cây cảnh…
Do còn nhiều khó khăn nên trong quá trình xây dựng NTM huyện đã bám sát các tiêu chí, đối với từng xã phải xây dựng tiêu chí nào phù hợp và với từng tiêu chí đó cần phải là những gì? Qua đó, huyện đã lập những dự án cụ thể từ dạy nghề, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường… tiêu chí nào đã tiệm cận đạt thì tiếp tục phát huy, còn những tiêu chí chưa được thì bắt tay vào xây dựng ngay nhưng tránh xây dựng ồ ạt, tràn lan, làm đâu chắc đó và không chạy theo thành tích.
Trong quá trình thực hiện, huyện thường xuyên giao ban kiểm tra, Bí thư, Chủ tịch huyện đến tận thôn, xã để xem vướng mắc tiêu chí nào thì tháo gỡ ngay từ cơ sở. Do đó, việc thực hiện các tiêu chí là “làm đâu gọn đấy, xong đâu chắc đấy”.
Điểm đặc biệt trong xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ chính là đã tạo được bước đột phá trong xây dựng niềm tin của nhân dân với lãnh đạo. Từ niềm tin nơi quần chúng nhân dân, Phúc Thọ đã vững vàng xây dựng thành công nhiều chỉ tiêu trong thời gian ngắn.
Học tập cách làm của Đan Phượng, lãnh đạo huyện đã phân chia quản lý các xã, đi xuống từng ngõ xóm để kiểm tra đường xá của từng nơi, xem ngõ xóm nào cần phải làm ngay và ngõ nào tiến hành làm sau.
Sau hai tháng triển khai, được cấp vật tư và hỗ trợ, mọi nẻo đường thôn xóm đến trục giao thông chính trên cả huyện, nơi đâu cũng được bê tông hóa. Từ bước làm đường giao thông nông thôn thành công dẫn đến nhân dân tin tưởng nên việc dồn điền đổi thửa, xây dựng trường học và các tiêu chí khác cũng được triển khai thành công sau đó.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả đã cho thu nhập cao tại huyện Phúc Thọ |
… đến những trái ngọt
Sau 5 năm thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 29,2 triệu đồng/người/năm (tăng 247% so với năm 2011), dự kiến năm 2016 đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 270 triệu đồng/ha (giá trị canh tác đạt 105 triệu/ha). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Các ngành nghề kinh tế nông thôn phát triển, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nông dân. Xây dựng chính sách cụ thể để sử dụng ngân sách huyện ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ mô hình mạ khay máy cấy, mô hình nhà màng-nhà lưới, thực hiện cơ giới nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ coi trọng đầu tư cho sản xuất và coi đây là đột phá trong xây dựng NTM nên đến nay nền nông nghiệp của huyện Phúc Thọ đã có bước phát triển toàn diện. Bằng nhiều chính sách và biện pháp, huyện đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, đẩy mạnh mô hình điểm có hiệu quả.
Hiện toàn huyện Phúc Thọ có 335 ha rau an toàn, giá trị khoảng 600-800 triệu đồng/ha/năm, gấp 8-10 lần so với trồng lúa; rau su hào, bắp cải vụ hè 15ha, giá trị đạt 90-120 triệu đồng/ha/lứa (45-50 ngày).
Vùng trồng hoa Ly 7 ha, cho lãi từ 2,8-3 tỷ/ha/vụ, gấp trên 60 lần so với với trồng lúa; sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao; chuối tiêu thu từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, gấp 4-5 lần so với trồng lúa; Bưởi Phúc Thọ cho thu nhập 800 triệu-1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh phát triển cây trồng, việc chuyển đổi cơ cấu và mở rộng, tăng đàn vật nuôi phát triển mạnh. Để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giá trị gia tăng trên diện tích đất, ông Hoàng Mạnh Phú cho biết, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã có 503 máy làm đất, 37 máy gặt đập liên hợp và 35 máy cấy. Việc đưa các loại giống cây, con mới và các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến đang được ưu tiên và kiên trì chỉ đạo, đem lại hiệu quả nhiều mặt, được người nông dân tin tưởng.
Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm và đảm bảo 100% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 40% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch. Hệ thống thuỷ lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất.
Tính đến nay toàn huyện đã có 17 xã được công nhận xã NTM, phấn đấu đến hết năm nay huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn và đến tháng 6/2017 có 22/22 xã được thành phố công nhận xã chuẩn NTM và hoàn thành huyện NTM.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Phú, tiến độ triển khai nhiệm vụ ở một số xã, nhất là các dự án thành phần còn chậm, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn và chưa có nhiều mô hình sản xuất lớn theo hướng quy mô lớn, hiện đại. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt yêu cầu việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp còn mức độ.
Nhưng từ những thành công và những hạn chế đã đặt ra cho huyện quyết tâm khắc phục và hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Đây sẽ là những tiền đề để huyện Phúc Thọ có sức bật mới, tạo nên sức mạnh và sớm trở thành vùng nông nghiệp sinh thái, phát triển du lịch - “vành đai xanh” của Thủ đô.
Nguồn : Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã