Ông Phạm Văn Năm cho biết, năm 2014, ông được Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn. Bên cạnh đó, ông còn chủ động tìm tài liệu học hỏi thêm rồi đúc kết kinh nghiệm để áp dụng vào mô hình sản xuất rau sạch của gia đình mình.
Với 2.000m² đất sản xuất rau an toàn đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Năm.
“Cái khó lớn nhất là quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn và đầu ra sản phẩm. Bởi sản xuất đại trà mà không có đầu ra ổn định thì không thể tiếp tục phát triển được chứ đừng nói là khá giả. Thấy được triển vọng của mô hình trồng rau sạch, gia đình tôi quyết tâm làm. Bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực và được thị trường đón nhận”- ông Năm nói.
Hiện nay, gia đình ông Năm canh tác trên diện tích hơn 2.000m2 với các loại rau như xà lách, rau dền đỏ, tần ô, cải… Áp dụng theo kỹ thuật trồng rau an toàn, chỉ sử dụng phân chuồng đã qua xử lý và phân vi sinh để bón cho cây. Hệ thống tưới tiêu cũng được đầu tư kỹ lưỡng với dàn máy tưới tự động, không sử dụng phân hóa học hoặc các loại thuốc trừ sâu có hại.
“Cách xử lý an toàn khi rau nhiễm bệnh là xay gừng, tỏi, ớt, tinh dầu nguyên chất sau đó ngâm với rượu khoảng 15 ngày, rồi phun lên rau, trị được tất cả các loại sâu bệnh của rau…”- ông Năm chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Năm nói, rau sạch không mất chi phí cho phân hóa học, thuốc trừ sâu nhưng cho thu hoạch chậm. Với mô hình rau sạch thì thời gian cho thu hoạch sẽ kéo dài hơn từ 2 tuần đến 1 tháng tùy loại. Trong khi trồng rau sử dụng thuốc và phân hóa học sẽ cho năng suất cao hơn và thời gian thu hoạch ngắn.
“Trong 2-3 tháng đầu, rau của gia đình tôi hầu như chỉ bán với giá bằng hoặc cao hơn một chút so với rau trồng theo kiểu truyền thống. Nhưng dần dần khi người ta biết được lợi ích của việc sản xuất rau an toàn, các sản phẩm tôi làm ra được thu mua với giá cao hơn. Hiện rau tôi trồng có giá từ 55.000-60.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách trồng rau truyền thống. Nhờ trồng rau theo hướng sạch, an toàn đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình tôi. Dự định sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm 1.000m² nữa để đầu tư sản xuất rau an toàn, nâng cao thu nhập cho gia đình”- ông Năm chia sẻ.
Mỗi ngày khu vườn của gia đình ông Năm cung cấp ra thị trường từ 35-40 kg rau các loại, doanh thu cao hơn gấp đôi so với cách trồng rau thông thường. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông cho thu nhập từ 13-16 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm có khi thu về gần 30 triệu đồng/tháng.
Ông Võ Chí (Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Minh) cho biết: “Anh Phạm Văn Năm là một nông dân có ý chí vươn lên, biết tận dụng thời cơ làm giàu cho bản thân và chia sẻ cơ hội cho nhiều người khác. Sau khi được xã cho đi tập huấn trồng rau an toàn, anh đã áp dụng thành công vào mô hình rau của gia đình, đem lại thu nhập cao. Anh là một tấm gương sáng về ý chí vươn lên, sáng tạo và học hỏi không ngừng”.
N.Linh/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã