Quảng Ninh vận động được trên 13.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật.
Tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã đạt trên 13.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đạt trên 1.200 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng nguồn lực; nguồn vốn ngoài ngân sách đạt trên 11.800 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng nguồn lực.
Đáng chú ý, theo ông Đặng Huy Hậu- phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, phó Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, trong nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, ngoài nguồn vốn tín dụng phục vụ đầu tư phát triển đạt trên 11.240 tỷ đồng thì người dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức đã đạt trên 458 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 96 tỷ đồng, còn lại là các hỗ trợ từ các sở, ngành, đơn vị, đạt trên 6 tỷ đồng.
Kết quả này cho thấy, người dân ngày càng nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong Chương trình xây dựng NTM, từ đó tham gia tích cực hơn đối với chương trình do Chính phủ, tỉnh, địa phương phát động.
Theo báo cáo của Ban Xây dựng NTM, ước tính đến hết năm 2017, bình quân 111 xã đạt 14/20 tiêu chí và 42,2/53 chỉ tiêu (tăng bình quân 2,3 tiêu chí và 3,53 chỉ tiêu so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2016).
Năm 2017, toàn tỉnh đề ra kế hoạch có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM nhưng đến tháng 6-2017, đã có 17 xã (thuộc 8 huyện) đăng ký sẽ đạt chuẩn NTM trong năm.
Đến thời điểm này, theo báo cáo của các địa phương, cơ bản các xã đã sẵn sàng về đích Chương trình xây dựng NTM.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng NTM vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Nhiều xã khó thực hiện tiêu chí môi trường, vốn giải ngân NTM còn chậm, việc phân bổ vốn nặng về đầu tư hạ tầng. Một số công trình đầu tư không đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng hạn chế...
Theo đó, ông Đặng Huy Hậu, đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ, trong đó, nhấn mạnh đến những giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh giải ngân vốn xây dựng NTM đúng tiến độ, linh hoạt; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo… từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình năm 2018.
Đặc biệt ông cũng yêu cầu Ban Xây dựng NTM tỉnh cần rà soát, xem xét lại mục tiêu cụ thể đề ra năm 2018, trong đó tập trung hướng dẫn việc giải ngân vốn ngân sách giúp các địa phương, tránh để nợ đọng sang năm sau.
Mục tiêu đến hết năm 2018, toàn tỉnh có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu; phấn đấu có thêm ít nhất 100 thôn xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; toàn tỉnh có thêm 1.000 hộ tham gia xây dựng “vườn mẫu”; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 45 triệu đồng/người/năm (khu vực I) và đạt tối thiểu 30 triệu đồng/người/năm (khu vực II,III); tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3-0,7%; 100% các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 được hoàn thiện bổ sung tiêu chí để đạt theo chuẩn mới và tiếp tục tiến lên xây dựng NTM kiểu mẫu…
Đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đăng ký về đích NTM năm 2018 phải khẩn trương rà soát lại những tiêu chí chưa đạt để có giải pháp, phương án thực hiện phù hợp.
Tránh chạy theo thành tích mà phải xác định xây dựng NTM quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân.
Theo N.Hoàng/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã