Rời phố về quê
Tốt nghiệp đại học ở TPHCM, nhiều cơ hội việc làm cho thu nhập cao, Nguyễn Văn Đồng (SN 1986, trú tại xã Thanh Truyền, Dầu Tiếng, Bình Dương) lại có một quyết định đầy táo bạo, tự thân về quê ngoại ở xã Nam Hương, Thạch Hà để lập nghiệp. “Từ nhỏ mình đã đam mê làm kinh tế. Sau khi học xong cấp 3, chọn Đại học Nông Lâm TP HCM là nơi bồi dưỡng tư duy, kiến thức nông nghiệp, thực hiện ước mơ làm ông chủ một mô hình kinh tế tổng hợp”, Đồng chia sẻ.
Nói là làm, năm 2010, Đồng bàn với gia đình quyết định khai thác hết số keo tràm của ông ngoại để lại, mua thêm một ít đất, đầu tư trồng hơn 10 ha cao su. “Trồng cao su cho thu nhập cao, công chăm sóc ít với lại bố mẹ từng làm công nhân cao su có thể chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hạn chế được rủi ro”, Đồng khẳng định. Thế nhưng như cha ông nói “người tính không bằng trời tính”, đợt rét đậm năm 2010, làm gần 3 ha cao su của Đồng mới trồng được 7 tháng tuổi chết trắng. Những cây non còn sót lại sinh trưởng kém, còi cọc. Nhận thấy khí hậu ở đây khó phát triển được cây cao su, chàng trai trẻ đành ngậm ngùi chặt bỏ hết số cây còn lại.
“Từ nhỏ đã được tiếp xúc với cây cao su, học hỏi thêm được kĩ thuật canh tác từ trường học và gia đình nên lúc trồng mình rất tự tin. Thất bại ngay từ lúc lập nghiệp làm mình chán nản, số tiền đầu tư hơn 400 triệu đồng lúc đó là quá lớn. Cũng từ thất bại này, mình mới nhận ra một bài học xương máu là thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây không phù hợp để phát triển cây cao su”, Đồng nói. Thất bại, Đồng vẫn không gục ngã, lấy đó làm kinh nghiệm. Nhận ra cần cù, kiến thức học vẫn chưa đủ, Đồng quyết định tìm đến những mô hình kinh tế phát triển trong và ngoài tỉnh để tham khảo, học hỏi thêm kinh nghiệm.
Sau thời một gian tích lũy được vốn kiến thức, năm 2011, anh Đồng mua 1.000 con vịt đẻ về nuôi. Nuôi được hơn một năm, vịt cho hiệu quả kinh tế không cao, thị trường bấp bênh anh quyết định bán. Đất rộng nhưng anh Đồng vẫn chưa tìm được một giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả. Thế rồi một lần tình cờ, xem trên truyền hình thấy người dân ở tỉnh An Giang đang rất thành công với cây chùm ngây, một loại cây dùng làm rau và dược liệu rất hiệu quả. Không chần chừ, anh Đồng tay khăn tay gói vào vùng đất này, tìm hiểu ky thuật canh tác loại cây này rồi quyết định mua hạt giống về trồng. Gieo 3 ha cây chùm ngây đang độ phát triển, anh đầu tư thêm hệ thống ống tưới tự động để cây không thiếu nước tưới, tiết kiệm thời gian làm việc và tăng năng suất.
Ổn định về cây trồng, anh Đồng bắt đầu tính toán đến chăn nuôi với 2 trang trại diện tích 120m 2 rồi mua 30 con lợn đẻ gồm nửa giống lợn rừng và nửa giống lợn siêu nạc về thả. Đến giai đoạn giao phối, anh Đồng cho lợn rừng phối lợn siêu nạc với mục đích cho ra thế hệ lợn lai chất lượng hơn. Đến khi lợn nặng khoảng 20 kg anh thả vào rừng để lợn ăn cỏ, được 50 kg thì xuất bán. Cách lai giống độc và lạ nên chất lượng thịt lợn của anh vừa dai lại thơm ngon. Đầu ra rất ổn định, khách hàng thường tìm đến tận nơi để thu mua với giá cao từ 85 - 100 nghìn/kg lợn hơi. Bên cạnh đó, anh Đồng còn tận dụng 1,5 ha ao hồ tự nhiên nuôi thêm cá trôi và cá mè, trồng mới thêm 3 ha cây ăn quả gồm 500 gốc cam chanh và 600 gốc bưởi Phúc Trạch và có thêm 40 ha keo tràm.
Tỷ phú có chí cầu tiến
Cuối cùng sau 5 năm cật lực làm việc, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đồng đã biến đất đồi thành mô hình kinh tế R - VAC trù phú, hái ra tiền tỷ mỗi năm. Hiện tại, trang trại của anh Đồng có 20.000 gốc cây chùm ngây, cho lá từ tháng 2 đến tháng 9. Mỗi năm thu hoạch hơn 15 tấn lá, thu nhập hơn 500 triệu đồng. Giá bán cao, trung bình giá lá cây chùm ngây bán ra 50 nghìn đồng/kg. Hiện nay, tại các chợ và siêu thị trên địa bàn Hà Tĩnh, lá chùm ngây của anh Đồng đã phủ khắp.
Về chăn nuôi, mỗi năm chàng trai trẻ xuất chuồng hơn 500 con lợn thịt, thu nhập hơn 600 triệu đồng, hơn 1,5 ha cá nuôi, mỗi năm cho 3 tấn cá, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Còn 3 ha cam, bưởi đang phát triển, 40 ha keo tràm hứa hẹn sẽ cho thêm thu nhập vài năm tới. “Cây chùm ngây và lợn lai là mặt hàng lạ, chất lượng cao, khách hàng rất ưa chuộng. Hiện tại, sản phẩm của mình không đủ hàng để cung cấp cho thị trường. Sắp tới, mình sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng thêm, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong tỉnh và lấn ra thị trường ngoại tỉnh”, anh Đồng chia sẻ. Với mô hình kinh tế hiện tại, anh Đồng tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 công nhân mùa vụ, có thu nhập cao.
Trở thành tỷ phú nhưng Đồng vẫn không ngừng nghỉ mà luôn cần mẫn làm việc. “Mình là thanh niên, có sức khỏe có đam mê là phải lao động. Hài lòng với bản thân là đánh mất cơ hội làm giàu cho chính mình”, anh Đồng khẳng định. Cho rằng, mô hình kinh tế của mình chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có, chưa xoay vòng sản phẩm để cung cấp cho cây trồng, vật nuôi mua thức ăn ở ngoài là một sự lãng phí. Dự định sắp tới anh sẽ nuôi thêm trùn quế, cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, trồng xen canh thêm cây hòn ngọc, và đinh lăng để làm dược liệu.
Theo Báo Tiền Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã