Nuôi cá trong vèo
Xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú đang phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trong vèo trên kinh rạch cho lợi nhuận cao, không tốn đất lại ít rủi ro. Đây là vùng trũng, hệ thống kinh rạch lúc nào cũng đầy ăm ắp nước, ngay cả trong các tháng mùa khô. Bà con nông dân dùng lưới nilon quây ven bờ kinh gọi là vèo để nuôi các loại cá nước ngọt như lóc, trê, sặc rằn… Ban đầu, người nuôi chỉ nhằm mục đích để dành ăn và bán lẻ cho bà con trong vùng. Dần dần, phát triển nuôi thương phẩm. Bây giờ, mỗi khi muốn bán cá bà con thỏa thuận giá qua điện thoại, thương lái sẽ cho xe tải đến tận vèo bắt cá.
Anh Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1977, ngụ ấp Phương An 2 là một người nuôi cá trong vèo khá thành công, sau hơn 3 năm đã cất được căn nhà bạc tỷ, trở nên khá giả.
Anh Lâm cho biết, một vèo đơn rộng 3 mét, dài 4 mét lưới giăng sát mé kinh, có thể nuôi 6.000 con cá lóc. Còn vèo đôi rộng 3 mét, dài 7 mét có thể nuôi 10.000 con cá lóc. Bên ngoài vèo chính, anh giăng thêm vèo phụ nuôi cá trê để tận dụng thức ăn thừa của cá lóc. Một vụ cá kéo dài 4 - 4,5 tháng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ khuyến nông xã Ngô Văn Ân cho biết, địa phương hỗ trợ bà con nuôi cá bằng cách phát tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức hội thảo để người dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Còn việc dự báo và khống chế dịch bệnh trên con cá phải người nuôi có kinh nghiệm mới xử lý được.
Báo cáo của UBND xã Hưng Phú, toàn xã hiện có 450 ha mặt nước nuôi cá, đưa lại thu nhập cao cho nông dân. Phó chủ tịch UBND xã Hồ Quốc Khánh cho biết, xã đang liên hệ với huyện và các cơ sở nghiên cứu để hỗ trợ bà con nuôi cá trong vèo thành một phương thức xóa đói giảm nghèo, làm giàu trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thắng lớn với tôm
Đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng hơn 53.800 ha, đạt hơn 119% so với kế hoạch (45.000 ha) và cao hơn 6,4% so cùng kỳ 2015 (trong đó tôm thẻ 35.400 ha, chiếm hơn 65%, tôm sú 18.400 ha, chiếm hơn 34%); thu hoạch đạt sản lượng vượt 30.000 tấn so năm 2015 (90.620 tấn). Các cơ quan chuyên ngành thủy sản nhận định, tình hình nuôi tôm thắng lợi cả 3 chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng đều vượt so với kế hoạch, một trong những nguyên nhân là nhờ thay đổi phương thức nuôi nên giảm dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Sóc Trăng thiệt hại chưa đến 8.000 ha, chỉ chiếm 14,4% diện tích thả nuôi và giảm 7,6% so với cùng kỳ.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng, so với trước đây, người dân thường thả nuôi cục bộ, thả giống nuôi một lượt hết phần diện tích nuôi, diện tích ao lắng rất ít, do đó rất khó quản lý khi dịch bệnh xảy ra. Mặt khác, sự thành công của vụ nuôi tôm năm 2016 chính là thời vụ lịch thả tôm phù hợp với điều kiện thời tiết. Mặc dù, thời tiết năm 2016 được xác định là đỉnh điểm của nắng nóng, xâm nhập mặn, có thời điểm độ mặn trên các tuyến sông lên đến 32‰ vào mùa khô (tháng 3, 4 dương lịch), nhưng nhìn chung theo người dân thì thời tiết thuận mùa. Mùa mưa đến trễ hơn các năm trước, trung tuần tháng 5 dương lịch mới bắt đầu có mưa và cường độ mưa cũng rải rác, không tập trung mưa dầm kéo dài như các năm trước. Ngoài ra, do hiện tượng El Nino trong năm 2016 nên người dân chủ yếu thả giống sau khi bắt đầu vào mùa mưa (6 tháng cuối năm).
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, những mô hình nuôi tôm thành công điển hình là do các nhà khoa học, các công ty và người dân đã phổ biến và áp dụng kỹ thuật mới như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn để hạn chế dịch bệnh chết sớm trên tôm của HTX Hưng Phú - Cù Lao Dung, trang trại nuôi tôm Ngân Lượng - Trần Đề; mô hình nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, doanh nghiệp Hưng Vinh Phú - Trần Đề; mô hình vi sinh ST Bacilli của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - đã áp dụng thành công cho hơn 200 hộ nuôi. Từ những thành công đó, Chi cục tiến tới thực hiện thí điểm một số mô hình hợp tác liên kết giữa hợp tác xã, tổ sản xuất và doanh nghiệp cùng nhau nuôi tôm sạch không sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, kháng sinh phải được kiểm soát gắt gao và để giảm thiểu chi phí sản xuất hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.
>> Trong năm 2017, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tiếp tục đóng vai trò đầu mối tiếp tục thúc đẩy các dự án ICAFIS, WWF… để xúc tiến hỗ trợ các liên kết vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, men vi sinh cho các tổ hợp tác/hợp tác xã đã ký liên kết nhằm tạo một chuỗi khép kín góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững. |
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã